Wednesday, January 22, 2025

CCVN 14

 Trước khi ra đi, Nguyễn Tất Thành chưa có được những hiểu biết vượt trội nào để gọi là “phê phán” hoặc “phủ định” các phương pháp tranh đấu của các vị tiền bối.

Người thanh niên ấy chỉ mới có ý định sang Pháp xem xét và học hỏi, nhưng chưa học được gì và xem được gì để có thể nói về những chuyện quan trọng hơn bản thân.

Sự chọn lựa ấy cũng đã bắt nguồn từ sự khuyên nhủ, chỉ vẽ, sắp xếp của Phan Chu Trinh, được Phan Chu Trinh giúp đỡ và cùng hoạt động trong một thời gian dài.


Ra đi không “phê phán”!


          Có thể nói cuộc ra đi hiện thực của Nguyễn tất Thành là một cuộc ra đi mà phần lớn sự định hướng ban đầu không phải do mình quyết định với một ý thức phủ nhận mọi cái đã có một cách quyết liệt, sáng suốt như “quyển truyện” của Trần Dân Tiên đã viết và được những nhà sùng bái Hồ Chí Minh khai thác. Cuộc ra đi ấy đã được định hướng theo một con đường đã cũ và đó chính là con đường “Tây du” kiểu Phan Chu Trinh. Nhưng có một yếu tố khác cũng đã góp phần không kém quan trọng để tạo nên kịch bản ra đi này là sự góp sức của ông Nguyễn Sinh Huy, thân phụ của Nguyễn Tất Thành.


          a) Nguyễn Sinh Huy đậu phó bảng năm 1901; 1906 vào Huế nhậm chức thừa biện Bộ Lễ; 1909 được cử làm tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định), nhưng chỉ 7 tháng sau, tháng 1-1910, thì bị bãi chức và bị triệu hồi về Huế. Lý do: theo Sở mật thám ông đã uống rượu say và đánh chết người.


          Nguyễn Sinh Huy phản bác (thừa nhận có đánh một tù nhân, nhưng cho rằng cái chết không phải do roi của ông), tuy thế do xét nghiệm cho biết người bị đánh đã phát bệnh mà chết, nên ông vẫn bị giáng bốn cấp và bãi chức. Sự nghiệp tan vỡ, ông xin vào Nam, từ đó về sau lưu lạc rày đây mai đó, kiếm sống bằng đủ thứ nghề, khi viết câu đối, dạy chữ Nho, lúc bốc thuốc, làm cai đồn điền, đã từng đi bộ lên Đế thiên Đế thích ở Cambốt nhưng lại không bao giờ trở về Huế và về quê, cũng chẳng bao giờ gặp lại con cái. Cuối cùng dừng lại tại làng Hoà An, tỉnh Cao Lãnh…, trước khi chết đã bị mật thám nghi ngờ có gia nhập một thứ tổ chức thần bí nào đó mang tên là Thiên địa Hội.


          Hình ảnh thực tế của Nguyễn Sinh Huy qua những tài liệu do D. Hémery công bố [16] trên đây không hoàn toàn lý tưởng như người ta đã vẽ ra. Khá thân cận với những nhà nho tiêu biểu trong phong trào Duy Tân Đông du bấy giờ, bị mật thám theo dõi nhưng lại không bị liệt vào các phần tử nguy hiểm, do lẽ ông không trực tiếp dính líu đến các tổ chức chống đối. Không theo con đường từ quan tranh đấu của những bạn đồng khoa như Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, ông vẫn chấp nhận đi vào guồng máy cai trị thuộc địa một cách miễn cưỡng, cuối cùng có lẽ do buồn chán mà trở nên sa sút [17] , ông đã tự gạt mình ra khỏi cái cái guồng máy quan lại cuối mùa để sống một cuộc sống giang hồ, cô độc. [18]  

          b) Ảnh hưởng của Nguyễn Sinh Huy với người con thứ ba của mình ra sao, chúng ta không biết rõ. Nhưng có điều chắc chắn là việc bị bãi chức của ông cũng đã kéo Nguyễn Tất Thành theo cùng số phận với mình: anh không còn khả năng tiếp tục theo con đường học vấn kiểu “Pháp-bản xứ” để sau này gia nhập vào guồng máy cai trị của thực dân dưới một hình thức mới, trong chính sách khai thác thuộc địa đã qua thời bình định. Có thể Nguyễn Tất Thành chưa chắc đã đi vào quỹ đạo đó; nhưng giả sử như anh còn giữ được ý định “giúp đỡ đồng bào” thì anh sẽ làm gì với mớ kiến thức kiểu thuộc địa mà anh đã thu lượm được? Có thể anh sẽ bỏ học để làm cách mạng cộng sản, nhưng ai sẽ thay anh đóng vai Nguyễn-Người-Yêu-Nước để liên hệ với Đệ tam Quốc tế và liệu có xuất hiện được một mẫu người cộng sản Việt Nam nào đó như anh? Thật khó trả lời.


          Nhưng cũng rất may, những câu hỏi giả định ấy đã không có cơ sở để đặt ra. Có lẽ để chuộc lại lỗi lầm, ông Nguyễn Sinh Huy đã đặc biệt quan tâm đến Nguyễn Tất Thành và đã không để anh phải bươn chải một mình. Như chúng ta đã biết, sau khi bị cách chức, về quê xin phép vào Nam để “tìm kế sinh nhai”, nghe tin Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn [19] vào Sài Gòn, ông đã xoay xở đi theo và có lẽ đã dẫn được Nguyễn Tất Thành đến gặp Phan Chu Trinh trước khi ông này sang Pháp (tháng 4-1911). Ông trông đợi gì nơi Nguyễn Tất Thành qua sự gửi gắm này với Phan Chu Trinh? Cũng do ông biết rõ đường lối của người bạn đồng khoa của ông là như thế nào, chắc hẳn ông sẽ không thể nào tưởng tượng ra được một ngày nào đó người con của ông lại trở thành một nhân vật như Nguyễn Ái Quốc. Với tính cách của ông, có thể suy nghĩ sau đây không sai sự thật lắm: thiếu gì cách dùng học vấn của mình để giúp đỡ đồng bào, đâu nhất thiết phải làm cách mạng? Dù sao ông cũng đã góp phần đẩy ra phía trước một người con sau này đã đi xa hơn kỳ vọng của ông rất nhiều.


          c) Về phần Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ thì điều mà chúng ta biết được tương đối rõ là suốt một thời gian dài anh luôn luôn nhớ đến cha và cố gắng thực hiện những mong đợi của cha khi gửi gắm anh cho Phan Chu Trinh.


          Chúng ta đã biết lá đơn của anh gửi Tổng thống Pháp ngày 15-9-1911 xin được vào học Ecole Coloniale với ước muốn vừa có ích cho nước Pháp vừa làm lợi cho đồng bào mình. Điều chúng ta cần biết thêm là sau khi gửi bức thư đó, Nguyễn Tất Thành đã theo tàu trở về Việt Nam qua hành trình Marseille–Sài Gòn–Hải Phòng–Sài Gòn–Marseille–Le Havre… Tại Sài Gòn, anh đã gửi thư cho anh là ông Cả Khiêm (Nguyễn Sinh Khâm hoặc Nguyễn Tất Đạt) lúc ấy đang giúp việc vặt tại Khâm sứ Trung Kỳ, nhờ vận động xin vào Ecole Coloniale. Ông Khiêm đã gửi thư lên Toàn quyền Albert Sarraut và thư này được chuyển về Khâm sứ Trung Kỳ. Và như mọi người có thể đoán, Khâm sứ Trung Kỳ đã trả lời Toàn quyền Đông dương, với lý do bác bỏ như sau: muốn vào Ecole Coloniale phải đang học ở thuộc địa, và chỉ những thanh niên xứng đáng trong hàng ngũ quan lại cao cấp mới được chọn [20] . Qua sự khẩn khoản này, chúng ta thấy quyết tâm muốn tìm một chỗ học nhất định để ổn định cuộc sống của Nguyễn Tất Thành là như thế nào. (Đoạn nầy đã chứng minh rõ nét nhất cái tâm trạng mong muốn phục vụ thực dân Pháp của HCM. LĐ)


          Sự quan tâm lo lắng của Nguyễn Tất Thành với cha cũng rất đáng chú ý với cách thức đặc biệt của anh. Cũng tại Sài Gòn nhân chuyến về nước nói trên [21] , cùng với việc gửi thư cho Nguyễn Sinh Khâm nhờ vận động vào Ecole Coloniale, ngày 31-10-1911, Nguyễn Tất Thành cũng đã gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ xin nhờ chuyển mandat 15 đồng (Đông Dương) cho cha, vì cha anh không thể nhận mandat trực tiếp được [22] .


          Suốt thời gian làm việc trên tàu, đi đây đó, nhưng nỗi lo lắng về cha vẫn làm Nguyễn Tất Thành bứt rứt: không phải chỉ gửi tiền giúp, anh còn có ý xin chính quyền thuộc địa phục chức hoặc tìm việc cho cha nữa. Bản khai của Bùi Quang Chiêu với Mật thám Sài Gòn ngày 21-9-1922 có nói đến việc ông gặp Nguyễn Tất Thành (mang tên Văn Ba) trên tàu Latouche-Tréville (ông nói đã quên tên) như sau:


“Anh đang làm việc trên tàu. Anh đến gặp tôi vì tôi từng là giáo sư nông nghiệp dạy cha anh tại Huế khoảng 1901-1902. Anh nói với tôi rằng lần đầu tiên anh sang Pháp, mục đích là để khiếu nại cho cha anh về việc ông vừa mới bị bãi chức. Anh muốn đến ở nhà thuyền trưởng Do-huu-Chan (?) đang công tác tại Marseille, với tư cách là người giúp việc nhà cho ông, để nhờ ông giúp đỡ trong việc khiếu nại đó” [23] .


          Ngày 15-12-1912, khi qua Mỹ, thư gửi Khâm sứ Huế báo rằng trong ba cái mandat gửi cha, anh chỉ nhận được một thư trả lời, ấy là nhờ do lần ấy mandat đã được chính Khâm sứ chuyển trực tiếp. Lần này anh muốn gửi tiền hàng tháng cho cha, cũng nhờ Khâm sứ giúp đỡ và nhân đó xin Khâm sứ tìm việc làm cho cha nữa. Trong thư, có những đoạn lời lẽ như sau:


“Ôi! Hoàn cảnh của tôi gay go biết bao! Sống quá xa cha mẹ, rất hiếm nhận được tin tức của họ, muốn giúp đỡ họ mà không biết làm sao!


Thôi thúc bởi tình yêu của đứa con, tôi dám xin Ngài vui lòng thuận cho cha tôi một công việc như là thừa biện ở các Bộ hay Huấn đạo giáo thư (?) để, dưới tấm lòng nhân hậu cao cả của Ngài, ông ấy có được kế sinh nhai” [24] .( Đây là khẩu khí của một tên muốn làm bồi cho Tây, cha, con đồng một lòng phục vụ cho thực dân Pháp.LĐ)


          Có một chi tiết đáng lưu ý: dưới thư, ký là “Paul Tatthanh”, Poste restante 1, rue Amiral Courbet, 1 – Le Havre. Tên “Paul” này đã được Nguyễn Tất Thành sử dụng lại có biến dạng đi một chút gọi là “Paul Thành” trong một bức thư từ Anh viết cho Toàn quyền Đông Dương, đề ngày 16-4-1915, qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn, nhờ chuyển cho cha, nhưng không đến tay vì không tìm được địa chỉ [25] .


          Qua thư gửi Tổng thống Pháp xin vào học Ecole Coloniale, các thư gửi Khâm sứ Huế hoặc Toàn quyền Đông Dương nhờ liên lạc chuyển tiền và tìm việc cho cha, tên ký có lúc là “Paul Tatthanh” (từ Mỹ, 1912), có lúc là “Paul Thành” (từ Anh, 1915), chúng ta thấy nơi sự ra đi của người con thứ ba của ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy một cung cách ứng xử chưa có gì gọi được “cách mạng” cả. Lý tưởng đi học để về giúp đồng bào theo chủ trương của Phan Chu Trinh chưa có điều kiện để bật lên thành mục đích chủ yếu, chế độ thực dân chưa thành đối tượng tố cáo, đả kích không khoan nhượng, tình nhà còn đè lên tâm tư nặng nề, cuộc mưu sinh của một thanh niên xa xứ cũng không kém phần bức xúc…

          Nói chung anh là một kẻ mới vào đời, tuy được những người thân hướng dẫn để đi xa, nhưng trong những ngày khởi đầu của cuộc hành trình này, Nguyễn Tất Thành vẫn chưa xác định được một vị trí nào thật rõ rệt về cuộc sống tương lai cho mình. (Chứng cớ như vậy mà các sử gia CSVN  cứ khen là HCM đi tìm con đường cứu nước thật là trơ trẻn. Đi học để mở mang kiến thức thì có hàng trăm loại trường khác nhau, hà cớ gì HCM phải chọn trường École Coloniale học xong ra cai trị dân cho thực dân Pháp! HCM không có tìm đường cứu nước mà chỉ là cứu cha và mong đạt nguyện ước làm bồi cho Tây mà thôi !LĐ)



Hiện thực và huyễn hoặc


          Sự so sánh trên đây cho chúng ta thấy rất nhiều khác biệt giữa hình ảnh của một Nguyễn Tất Thành dưới ngọn bút của Trần Dân Tiên năm 1948 với một Nguyễn Tất Thành trong hầu hết những tài liệu mới phát hiện về sau. (Tức là sự thật thì khác nhưng đưới ngọn bút Trần Dân Tiên thì HCM muốn tự đánh bóng mình , sửa lại quá khứ của mình lúc mới qua Pháp. LĐ)


          a) Nguyễn Tất Thành, trong cuốn sách của Trần Dân Tiên, đã được quan niệm như là tiền thân của những nhân vật Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh, không phải chỉ theo trật tự về thời gian mà còn là về lô gích: cái trước tất yếu dẫn đến cái sau, muốn hiểu cái sau phải biết cái trước và ngược lại. Cuộc đời Hồ Chí Minh phải được quan niệm như một tổng thể cách mạng nhất quán và có ý thức từ đầu đến cuối. Trước khi trở thành Hồ Chí Minh người yêu nước-cộng sản, theo nghĩa mà những người cộng sản quan niệm “chủ nghĩa yêu nước chân chính cũng là chủ nghĩa cộng sản”, thì Nguyễn Tất Thành tiền thân của Hồ Chí Minh phải là người chuẩn bị: chưa tìm được đường đến với chủ nghĩa cộng sản thì tâm tưởng của anh phải là mảnh đất thuận lợi để nẩy mầm chủ nghĩa cộng sản về sau – anh phải là người dọn đất, người phủ định, người “không tán thành” những phương cách yêu nước của cha chú mình, nghĩa là phải làm được người đại biểu tiềm thể cho cuộc cách mạng tương lai mà Hồ Chí Minh sẽ là đại biểu hiện thực. (HCM cũng không ngờ là sau nầy mọi người đã tìm hiểu được Trần Dân Tiên là chính HCM, nên những hư cấu lếu láo của TDT sắp xếp trước, sau đều là trò nói dối rẽ tiền. LĐ)


          Khác hẳn với một Nguyễn Tất Thành thực tế – một Nguyễn Tất Thành như là Nguyễn Tất Thành con của ông Nguyễn Sinh Huy – mà các tài liệu sau này đã phác hoạ: tuy đã được định hướng để ra đi, nhưng cái hướng ấy không tất yếu phải là cuộc cách mạng sau này anh sẽ chọn lựa, bởi vì để đến với cuộc cách mạng ấy, anh phải có được hàng loạt những cơ duyên khác xa với những ngày anh bỏ nước ra đi. Ở anh Nguyễn Tất Thành thanh thiếu niên ấy chưa có gì tất định báo hiệu anh sẽ là Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh về sau.


          b) Anh Nguyễn Tất Thành được Trần Dân Tiên giao cho cái nhiệm vụ tiền thân ấy, anh Nguyễn Tất Thành được xem là “hình ảnh của nhà ái quốc xứ Nghệ An rời quê mẹ ra đi tìm đường giải phóng đất nước”, theo cách diễn tả của D. Hémery trong tài liệu đã kể, “chỉ thuộc về điều tưởng tượng huyễn hoặc của những năm sau 1945 hoặc sau 1920” [26] .

          Sau 1920, nhất là sau Đại hội Tours, khi Nguyễn Tất Thành đã vượt khỏi Phan Chu Trinh để trở thành người yêu nước-cộng sản: cần phải đẩy thật mạnh việc tố cáo tội ác của thực dân để kêu gọi sự chú ý, sự giúp đỡ của những người hoạt động khuynh tả khắp nơi, đặc biệt thúc đẩy Đảng Cộng sản Pháp, và sau 1923, khi đã sang Nga, vận động Quốc tế Cộng sản, thiết thực ủng hộ phong trào chống thực dân ở Đông Dương. Những bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc vào thời kỳ này đã bộc lộ rõ xu hướng ấy. Động cơ muốn xem văn minh Pháp được kích động thêm bởi tinh thần “chống đối về bản chất” của những người lính lê dương [27] – và chỉ như vậy mà thôi: đó là tất cả những gì Nguyễn Ái Quốc có thể nhớ lại về chuyến ra đi của Nguyễn Tất Thành để bày tỏ quan điểm chính trị mới của mình.

          Đối với câu hỏi “Khi học xong, anh dự định làm gì?”, mà trả lời là: “Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi” [28] thì cái động cơ “chống đối” nêu ra ở trên là không thể nào khác được. Không còn dấu vết gì của tờ đơn xin vào Ecole Coloniale, những lá thư gửi Khâm sứ Huế nhờ chuyển tiền, xin việc làm cho cha …

          Sau 1945, khi Nguyễn Tất Thành đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với cái tên mới là Hồ Chí Minh (dân chúng chưa biết rõ lắm về lai lịch của cái tên này), 1948 đang ở chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp: phải tạo cho mình hình ảnh một “đấng bậc trưởng thượng” kiểu châu Á có uy tín vượt trội, vừa truyền thống vừa hiện đại, yêu nước và mập mờ nhận là cộng sản, tuy cuộc đời ba chìm bẩy nổi, ẩn hiện bí mật cao siêu, nhưng mục đích suốt đời không có gì khác hơn là hy sinh cho độc lập của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, một con người trong sạch, giản dị, hoà mình vào quần chúng, được bạn bè khắp hoàn vũ mến yêu giúp đỡ còn đồng bào trong nước thì đặt hình lĩnh tụ của mình lên bàn thờ [29] và tôn xưng là “Cha già của dân tộc” v.v… (Đọc kỹ đoạn nầy mới thấy rõ Lữ Phương nắm rất rõ cơ mưu của HCM để tự đánh bóng nhân vật “Yêu Nước “ HCM chỉ là trò nói láo mà thôi! Đoạn nhận xét nầy của Lữ Phương thật là chính xác và cay nghiệt đối với HCM. LĐ)


          Cuốn “tiểu sử” viết về Hồ Chí Minh của Trần Dân Tiên đã biểu lộ rất rõ cái nhu cầu năm 1948 mà Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của ông đang muốn tạo ra cho phong trào yêu nước cộng sản trước tình hình mới – một lĩnh tụ tuyệt vời và chỉ có lĩnh tụ đó mới là tuyệt vời thôi!


          Tất cả những gì tốt đẹp trong những thời kỳ hoạt động vinh quang nhất của vị lĩnh tụ này đều được mô tả chi tiết, còn đối với những cái khó nói và không nên nói trong những giai đoạn “quan trọng” đặc biệt – thí dụ như những năm sau khi thành lập Đảng 1930, bị xu hướng tả khuynh trong Đảng ở Việt Nam và Quốc tế cộng sản đả kích, phê phán khá nặng nề đến nỗi bị lưu giữ để “học tập” một thời gian ở Liên Xô cho đến 1938 mới được cho phép đi ra hoạt động lại [30] – thì lại cố tình giấu đi: phô bày những điều ấy ra chẳng những bất lợi cho hình ảnh của lĩnh tụ mà còn phá vỡ sự thống nhất cần thiết của Đảng do lĩnh tụ tạo ra.


          c) Trần Dân Tiên có phải là bút danh của Hồ Chí Minh như bấy lâu nay người ta vẫn cho là như vậy? Gần đây, bà Phan Thị Minh đã đưa ra một thông tin mới rất đáng chú ý như sau:


“Chiều ngày 2 tháng 3 năm 1993, tôi đã được gặp ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác từ Cách mạng tháng Tám đến ngày Bác qua đời và đã cùng một số người quanh Bác là đồng tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” với bút danh Trần Dân Tiên” [31] .


          Chưa thấy ông Vũ Kỳ nói rõ hơn về chuyện này nên chúng ta chưa biết ông cùng những người “quanh Bác” đã làm việc như thế nào để thực hiện cuốn Những mẩu chuyện… lừng danh ấy. Ông và những cộng sự có phải đi đây đi đó khắp nơi gặp gần 10 nhân vật đã được nhắc đến trong cuốn sách để phỏng vấn về mối quan hệ của họ với ông Hồ? Dòng cuối cho ta biết sách viết xong vào mùa thu năm 1948, lúc bấy giờ ông Vũ Kỳ đã phải đi theo Hồ Chí Minh lên chiến khu Việt Bắc (Tuyên Quang, Thái Nguyên), nếu theo cách đó thì làm sao thực hiện được trong điều kiện kháng chiến đường xá cách trở? Cách trình bày được mô tả trong sách – những nhân vật thay nhau kể chuyện – do đó có lẽ chỉ là một thủ thuật và đó là thủ thuật của những người viết tiểu thuyết nhiều hơn là “tiểu sử”.


          Cứ tạm tin rằng cái “tiểu sử” dưới hình thức “truyện” ấy được chính Vũ Kỳ và những người cộng sự viết ra và ký là Trần Dân Tiên. Nhưng như vậy thì lại gặp điều khó khăn phải giải thích tại sao cuốn sách tầm thường của một tác giả vô danh là Trần Dân Tiên ấy lại có thể trở thành một thứ tài liệu tham khảo quan trọng bậc nhất về Hồ Chí Minh như đã xảy ra, đặc biệt trong giới nghiên cứu, giảng dạy? Sự quan trọng ấy không thể nào có được nếu những gì đã viết về ông Hồ trong cuốn sách ấy (giả sử là của Vũ Kỳ) không được chính ông xét duyệt (Vũ Kỳ là thư ký riêng của ông), và một cách nào đó cũng đã làm cho người ta hiểu rằng chính ông đã muốn phổ biến cuốn “tiểu sử” có nội dung như vậy.

           Cuốn sách, do đó, dù cho có do Vũ Kỳ lấy tài liệu từ Hồ Chí Minh để viết hoặc do chính Hồ Chí Minh trực tiếp viết [32] (hay đọc cho Vũ Kỳ viết), thiết tưởng ý nghĩa cũng đều như nhau: sự xuất hiện của nó là “cái cần thiết” cho nhu cầu cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh sau 1945.


          Vào thời điểm này, Nguyễn Tất Thành đã không còn là cá nhân một thanh niên 21 tuổi ngỡ ngàng trong cuộc bỏ nước ra đi năm 1911 nữa: anh đã về nước với tên Hồ Chí Minh và tự cho mình là biểu tượng của sự chọn lựa cuối cùng sau mọi chọn lựa của đất nước – một Nguyễn Tất Thành trở thành cộng sản, đã hoàn thành  Cách mạng tháng Tám và đang lãnh đạo kháng chiến bảo vệ cuộc cách mạng ấy để sau này đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

          Quá khứ của Hồ Chí Minh hồi 21 tuổi có được tạo dựng lại cho phù hợp với vị trí của Hồ Chí Minh khi 58 tuổi là điều không có gì khó hiểu: thực chất các sự việc không phải như vậy, có thể nói khác đi vào lúc khác, nhưng khi cần thì vẫn có thể thêu dệt, tô vẽ lên để tuyên truyền – lợi ích của cách mạng buộc phải như thế. Nếu Hồ Chí Minh không làm điều đó thì cũng sẽ có những kẻ thay ông. Vì rất nhiều lý do khác nhau, những người sùng bái ông sau 1945 kể ra là vô số.


© 2007 talawas

 

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9101&rb=08    Lữ Phương

Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh

(Sự hình thành một chọn lựa)

 1   2   3   4   5   6   7 


No comments:

Post a Comment