Tuesday, October 10, 2023

Bình Nguyên Lộc Những Bước Lang Thang Của Gã Bình-nguyên Lộc

 Bình Nguyên Lộc

Những Bước Lang Thang Của Gã Bình-nguyên Lộc




MỤC LỤC

Những Hàng Me Sài Gòn
Sông Ông Lãnh
Quà Đêm Trên Sông Ông Lãnh
Mả Cũ Bên Đường
Có Những Xác Diều
Khóc Bạn Chim
Lọ Sứ Cổ
Âm Thanh Bí Mật
Giải Phẩu Tâm Thần

Lan Đam Mê
Văn Nghệ Đứng Đường
Nước Tàu Muôn Thuở
Hui Nhị Tỳ (1)
Hui Nhị Tỳ (2)
Thần Thánh Sàigòn
Chùa Chiền, Đền Miếu
Phố Của Thành Phố
Vắng Bóng Bia Đá Thì Hỏi Bia Miệng




NHỮNG HÀNG ME SÀI GÒN

Me ! Cái tên mới thô lỗ làm sao chớ ! Nó không được tầm thường như mận, bưởi, cau, mà cục mịch như ổi, xoài, măng cụt.

Nhưng nếu có những cô Thùy Dương, Yến Tuyết, không đẹp bằng những chị Mén, chị Vẩu, thì cũng có những cây anh đào, thanh tùng, không đẹp bằng me, bằng me Sàigòn.

Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không sơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn, thì nó còn đẹp hơn biết bao !

Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà, những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến luyến những triếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra...

Ôi, những hàng me chứa chấp cô Mùa, một có gái quê ít dám léo hánh đến thành phố. Chính trên mái tóc xanh biến màu theo thời tiết của ngươi mà những khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hằng năm len lén đến vài lần nơi thành phố.

Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sàigòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu.

Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa, là những ngày họ hồi hộp rình Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi măng của thành phố.

Ôi, những cây me ngủ chiều, gợi nhớ sự nghỉ ngợi của đồng áng, gợi nhớ những nỗi buồn tiền sử của loài người, khi chiều xuống họ hãi hùng nhìn cây ngủ, chim về, mặt trời chun xuống thiên nhai không biết ngày mai sẽ trở lại hay không...

A...ha, những cây me vui, những cây me rắn mắc, thỉnh thoảng, sau một trận mưa, lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những hột nước làm cho ai nhăn mày...

Tôi thương Sàigòn vì những hàng me.

THỜI TRÂN, 1952)

SÔNG ÔNG LÃNH

Tây đặt cho nó cái tên rất ngây ngô là "Rạch Cắc chú" (Arroyo chinois)

Tôi muốn ít lắm nó cũng được gọi là Lạch Bến Nghé cho dễ nghe và cho gợi ý.

Có người kêu nó là kênh Tàu Hủ.

Nhưng mấy anh bạn ghe thương hồ kêu nó là Rạch Ông Lãnh, hay Sông Ông Lãnh. Tên sau đây có lẽ là tên vĩnh viễn của nó bởi vì đó là cái tên của dân chúng đặt ra, chớ không phải của tác giả của một quyển địa dư nào hết.

Thủ đô miền Nam là một thành phố mới. Cây, lá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người.

Nhưng trong tình cảnh thiếu thốn bản sắc riêng ấy, may thay, Sàigòn còn được con Sông Ông Lãnh...

Con sông con thân mật, đứng bờ bên nầy hú một tiếng là bên kia nghe liền...

Con sông gợi tình, thỉnh thoảng màu nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thủy Chân Lạp hoang vu, nê địa, gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam, gợi hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới...

Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai vào Bến Nghé, Đồng Nai thì vào.


Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất, (cái bụng của Sàigòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú.

Có ai nhìn thấy đám ghe thương hồ ấy chưa, nhứt là vào lúc chiều tối khi các hoạt động kinh tế đã chấm dứt ? 1

Một người bạn ghe nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoan thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ.

Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Đồng Nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây.

Con sông đặc biệt Á Đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.

Nên chi, đi xa mười năm, vẫn nhớ Sàigòn. Không nhớ những phố lớn, nhà cao, vô vị vì giống phố nhà nơi khác, mà nhớ con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẩm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lỏng vào thành phố. Chị nhà quê nầy chỉ tìm lại được sự dễ chịu khi qua khỏi Xóm Củi, Bình Đông, về tới ruộng lầy, với thiên nhiên, về giữa không khí riêng của chị.

Sông con ơi, Sàigòn làm đỏm làm dáng mà ngươi vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho ngươi dễ thương biết bao.

(THỜI TRÂN, 1952)

--------------------------------

1

Ngày nay cảnh ấy không còn nữa.

QUÀ ĐÊM TRÊN SÔNG ÔNG LÃNH

Nếu ban ngày con sông Ông Lãnh rộn rịp sanh hoạt với những ghe thương hồ chở khẩm lừ trái cây và các thứ hàng hóa khác, thì về đêm, một sự sống âm thầm nhưng không kém linh động, nổi lên trong khi người ta ngỡ con rạch ngủ yên.

Ở đây không có xe hơi, không có ra-đi-ô, không có trẻ nô đùa, nên những tiếng bí mật của đêm trường mang rõ linh hồn của nó, âm thanh có sự sống đã đành mà cho đến tiếng động, lắm khi cũng thành nhạc.

Một chiếc xuồng tam bản, chuồi êm rơ trên mặt nước, một mái chèo khua nhẹ trên dòng kinh, một đèn dầu leo lét soi mờ bóng một cô chèo xuồng, rồi từ tất cả các thứ ấy, vẳng lên : "Ai... chè đậu...cháo cá...hông ?".

Bất giác ta bị đẩy lùi về thế kỷ trước và câu ca dao :

Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.


như được một người bình dân nào bập bẹ cho nó thành hình, chập chững lần dò, bỏ một tiếng, thêm một lời, để tỏ tình gián tiếp với cô bé chèo thuyền có tấm thân uốn éo như dòng sông uốn khúc.

Khách hàng dưới sông phần lớn là dân quê, những trạo phu của ghe thương hồ. Vì thế quà ở đây cũng nấu theo lối quê, thật thà nhưng đậm hương vị. Cháo cá ngọt cái chất ngọt của cá đen ở đồng chớ không phải ngọt ngay nhờ bột ngọt hóa học như cháo trên bờ. Mùi thơm của chè đậu trắng gợi nhớ mùa chè cúng đưa ông Táo ngày hăm ba Tết ở làng xa.

Lối bán hỗn hợp hai thứ quà mặn ngọt này cũng là làm theo truyền thống nhà quê. Trên phố, người ta bán cháo cá vào giấc sáng, thỉnh thoảng về đêm; chè đậu luôn luôn bán buổi trưa từ 11 giờ đến hai giờ.

Quà trên sông Ông Lãnh luôn luôn nóng hổi, vì bếp lửa khỏi phải gánh nặng nề, nên các nồi quà được nằm mãi trên cà-ràng cho đến khi vơi tới đáy.

Ai đã ăn món xu xoa mật đường hạ trên kinh Tàu Hủ vào mùa nực chưa ? Đường hạ đen sản xuất ở Biên Hòa tiết ra một mùi thơm đặc biệt mà đường cát trắng không có được. Khi thứ đường hạ ấy được nấu thành mật để ăn bánh đúc hoặc ăn tàu hủ (óc đậu), xu xoa, thì hương vị của nó càng đậm đà hơn.

Ta cứ nghe như là phảng phất đâu đây mùi đồng áng, mùi lò đường tiểu công nghệ với những đêm dài nổi lửa đốt lò, với tiếng rít ghê rợn của các "ông che".

Món xu xoa (thạch xoa) giống như vải may áo mưa không thể thấm mật. Tuy thế mật đường hạ vẫn cố len lỏi xâm nhập vào các mảnh quà ấy, thứ quà trơ trẽn không hương không vị, để giúp cho ta nuốt cho trôi món giải khát đặc đó. Trên bờ, ăn xu xoa với đường cát khô, nghe như là hai món riêng rẽ ra, cổ họng nhám ồ những kết tinh đường chưa tan.

Một văn hữu miền Bắc, khi mới vào Sàigòn, cách đây bảy năm, đã lấy làm ngộ nghĩnh cho lối bán quà và rao quà của người miền Nam. Anh bạn thích nhất là món bột khoai...

Đó là thứ quà hỗn hợp và hỗn độn, hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới, từ ba trăm năm nay. Thứ chè ấy gồm cả những món ăn dùng để nấu thức ăn mặn như là bún Tàu (miến), nấm mèo (mộc nhỉ), vân vân... Thật là hằm bà lằng, xà ngầu.

Đặc biệt nữa là khi rao quà, họ kể hết các món ấy ra :

Ai...ăn bột khoai, bún Tàu... đậu xanh, nước dừa, đường cát....hôn ?

Bản nhạc đêm trường ấy, từ mười năm nay, trên bờ không ai được nghe nữa. Theo nhịp sống cấp tốc hiện tại, các chị bán quà trên bờ đã rao tắt : "Ai...bột khoai.?". Nhưng kinh Tàu Hủ cứ còn giữ truyền thống cũ, và trong cảnh vắng lặng ở đây, nhạc điệu câu rao được khởi sắc lên nhiều.

Khối người đã đẻ ra bản Vọng Cổ, cố nhiên là phải xuất sắc trong việc nhạc điệu hóa một câu văn xuôi rất dài, và nghe những tiếng kể món hàng một cách ngọt xớt ấy, tự nhiên bắt thèm chè bột khoai, không cưỡng được nữa.

-¯—

Từ mười mấy năm trước, chiến tranh đã đẩy lên Sàigòn nhiều nữ trạo phu chuyên chèo xuồng bằng hai cây chèo một lượt. Trước kia chỉ ở Hậu Giang người dân mới biết chèo lối đó thôi. Dân Sàigòn và dân miền Đông ít khi được thấy xảo thuật ấy.

Cô bán bánh canh cá nầy, chắc lúc trôi dạt đến đây, chỉ lên mười là cùng. Bây giờ cô đã hăm lăm và xử dụng hai cây chèo bằng một tay thầy.

Nhưng khách thương hồ không mê lối chèo choáng cả lòng sông của cô, không mê lối đẩy mông đá cẳng của cô mỗi bận cô cất hay hạ mái chèo đôi, mà chỉ nghiện hương hành lá tươi của nồi bánh canh cá trên xuồng của cô.

Dân Sàigòn quả đã bỏ mất hết khiếu tế nhị trong việc ăn uống. Người ta nấu bánh canh giò heo cho họ mà họ cứ im lặng nhận lấy, không phản đối bao giờ. Không, món bánh canh phải nấu bằng cá rô, hay tệ lắm bằng cá lóc. Cũng không được phép gia vị bằng hành tây. Chỉ có hành hương (tên là hương mà lại) trồng ở thôn quê, mới bốc hương lên khi được thả trôi trên nước bánh canh sôi ùng ục.

Bánh canh của cô hàng hai chèo là một món quà "thống nhứt" : nước, bánh, cá, hành, tiêu, cả bốn thứ đoàn kết với nhau để biến thành một khối duy nhất có mùi vị riêng biệt khác với mùi của từng thành phần, các mùi vị ấy nương tựa lẫn nhau; thiếu một cái, không xong, đồng đội xung phong lên công kích các hạch nước miếng của khách đêm. Thật là khác xa với bánh canh giò heo trên bờ, ngọt như chè, và bời rời bánh ra bánh, nước ra nước, thịt ra thịt !

-¯—

Pánh pò, pánh tiu, dò chó quẩy...?

Chú khách nầy bỗng dưng đổi cung đàn. Đây là khúc nhạc "Bát man tấn cống", tám chú man rợ đến dâng "con quỉ chết trôi" 1. Giọng rao man rợ mà món quà cũng đặt tên một cách gợi buồn nôn.





Tuy nhiên nên nhớ rằng sự phồn thịnh của Sàigòn là do người Hoa kiều dựng lên, cách đây một trăm năm và Kinh Tàu Hủ là cái nôi của sự phồn thịnh đó.

Chú khách bán pánh pò dò chó quẩy nầy gợi lại hình ảnh một cuộc phôi thai kinh tế, không có chú ta thì nhạt cả màu sắc địa phương đi.

Những đêm mưa dầm, các xuồng quà biến mất hết, duy chỉ có chú ta là đứng vững trong phong ba với chiếc tam bản mũi bằng theo lối tàu của chú.

-¯—

"Kẹo đậu phộng trà Huế hông ?" Ông già rụng răng nầy rao nghe còn dở hơn chú Khách trên. Nhưng người ta cứ mong lão tới.

Họ thích xem lão đưa cao ấm nước trao đang sôi lên, rót trà xuống một tô nước lạnh, lão rót thế nào mà bọt dâng lên còn nhiều hơn là bọt bia, không khát nước, trông thấy cũng cứ thèm.

Thích nhứt là xem lão ta uống, không biết bao tử lão bao lớn mà hễ khách quen thách uống là lão tự pha cho lão, không phải một tô thường, mà một tô con rồng thứ tô sứ giả sản xuất ở Lái Thiêu cách đây bốn mươi năm mà ngày nay ít gia đình nào còn giữ được.

Tô ấy to bằng năm tô thường. Lão ta uống một hơi, không nghỉ để thở lần nào cả. Những người biết lão nhiều, kể rằng lão có tài ăn năm mươi chiếc bánh trôi nước có nhân, rồi uống liên tiếp hai tô nước như vậy.

"Kẹo đậu phộng trà Huế hông ?" Câu hát không hay ho gì nhưng nghe yêu đời lắm, vì do miệng một kẽ yêu đời hát lên, kẻ ấy đã ngót bảy mươi rồi và chắc không con cháu, nhưng chưa hề ai thấy lão than thở một lần, đêm đêm quạt lò trà xành xạch, để sống những ngày nhàn như thời Sàigòn chưa thấy xe hơi, những ngày một miếng kẹo, một tô trà Huế đậm và một miếng trầu, cả ba thứ đều bán chung lại với một giá kinh khủng... một xu.

(SÁNG TẠO, 1960)

--------------------------------

1

Theo thổ ngữ Quãng Đông, giò chó quẩy là con quỉ chết trôi.

MẢ CŨ BÊN ĐƯỜNG

Hôm qua tôi đi thăm một chị bạn ở đường Lý Trần Quán. Cạnh nhà chị, trên lề cỏ sát con đường nhựa láng quyên, đứng sững lên một cái tháp cao vọi.

Công trình kiến trúc nầy không biết có phải tên là đồ phù hay không, nhưng chắc chắn đó là mộ của một vị sư nào, cạnh một cảnh chùa cất trên mảnh đất nầy hồi thuở Tân định chưa thành ngoại ô Sàigòn.

Ngôi mộ có vẻ đẹp của những vật điêu tàn, hay ít ra, của những vật cổ kính, mặc dầu chưa chắc nó đã xây lên được tám mươi năm.

Thành phố Sàigòn chỉ mới cất hôm qua đây, nên chi một ngôi mộ xưa chừng nửa thế kỷ cũng được ta mừng rỡ liệt vào hạng di vật lâu đời.

Liệt những món còn mới ràng ràng ấy vào hạng đồ cổ để mà thương cái đô thị chưa có kỷ niệm nầy.

Những tư tưởng đóng rêu, ta muốn vứt đi cho khỏi vướng bận tinh thần. Nhưng một thềm nhà cũ, một thếp đèn xưa, càng đóng bụi thời gian bao nhiêu, càng đẹp hơn lên bấy nhiêu.

Tôi không hiểu người Do Thái làm sao thương được nước Israel. Riêng tôi tình quyến luyến một ngôi nhà, một làng hẻo lánh, một thành phố, một quê hương phải bắt nguồn trong một dĩ vãng lâu đời mà nước mắt và nụ cười của bao thế hệ đã ràng buộc con người vào đất, vào vật, vào người.

Đất, có ở lâu, tình đất mới sâu.

Có người ngại tình đất sâu, gây hủ hóa. Họ chỉ có lý phần nào thôi.

-¯—

Trở về Sàigòn mới mẻ của chúng ta.

Những chiếc đá mả vừa mới đóng rêu, những cây trồng chưa "thành đoàn cổ thụ già", mà tình đất đã thấm nhuần được lòng dân Sàigòn nào còn biết nhớ xưa, nhớ cái thuở mà văn minh chưa đến hay mới đến Sàigòn nê địa, nhớ thuở mà :

Thượng thơ bán giấy,
Thủ ngữ treo cờ.


Hoặc cái thuở mà :

Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve đặng con đò Thủ Thiêm.


Con đò Thủ Thiêm đã nhường chỗ cho một bác thợ máy lái chiếc xà lang. Nhưng hình ảnh của cô lái đò xưa luôn luôn rung cảm mỗi khi câu ca dao trên đây vang lên trong một khoang thuyền.

Tình đất Sàigòn tản mát trong người, trong vật. Nhứt là trong vài câu ca dao hiếm hoi. Vì hiếm hoi nên tình như không thỏa. Vì không thỏa nó mới cố lắng sâu như để tìm chính mình, trong chỗ không có gì hết.

(THỜI TRÂN, 1952)

CÓ NHỮNG XÁC DIỀU

Sung sướng lớn của kẻ đứng đường mà đã quá mỏi chân là dừng bước lại, vào buổi chiều ở bờ sông hay trên hè phố để ngắm diều.

Không ai ngờ rằng giữa một thành phố chật như nêm là Sàigòn nầy mà qua mùa nực, chiều nào cũng hằng trăm con diều giấy bay lượn trên không trung.

Không trung vô chủ mà không chướng ngại. Cái khó là đưa diều lên tới trên ấy. Nếu ở thôn quê, đất rộng minh mông thì không có vấn đề. Nhưng ở đây, nếu dắt diều bằng dây ngắn rồi chạy giữa phố giúp cho diều nương gió mà lên lần và lần lần tháo dây thì xe hơi có đủ thời giờ cán chết kẻ thả diều. Bằng như dắt diều chạy trên vỉa hè, diều sẽ vướng dây điện, vướng nhánh cây, không lên được.

Thành thử khi chiều xuống, diều lên thì những kẻ bỏ quên bóng dáng yêu kiều của phụ nữ bát phố bỗng thấy một sự huyền diệu dưới cái vòm trời xanh lơ kia, không biết họ làm thế nào để giúp những con vật ấy len lỏi vươn lên cao vút trên kia được.

Những con vật ? Vâng. Diều giấy có sự sống hẳn hòi. Khi diều đã lên cao vút trên kia rồi thì không còn phân biệt được hình thù và màu sắc của nó nữa. Tuy nhiên người ta vẫn nhận diện được từng con một, không con nào giống con nào.

Mỗi con diều có cá tính riêng của nó. Có con diều trầm lặng, lang thang, thong thả như người khách nhàn du, dạo mát buổi chiều. Có con diều hung hăng, lồng lộn như ngựa chứng. Có con diều lăng xăng như một anh chàng nóng tánh, ngồi đứng không yên chỗ. Có con diều không biết nhớ đất hay sao mà cứ thỉnh thoảng chúi mũi toan đâm đầu xuống, nhưng rồi lại trèo trở lên ngay vì có lẽ nó biết kiếp diều là phải ở trên đó cho tròn sứ mạng diều.

Bầu trời là một bồn cá khổng lồ mà hằng trăm con cá đang lượn quanh những cây thủy thảo vô hình.

Ừ, kỳ lạ chưa, diều giấy không giống chim mà lại giống cá, bởi vì chim thì bay đi còn diều thì cứ quanh quẩn mãi trong chu vi nhứt định. Như con cá vàng không thể nào ra khỏi bồn thủy tinh.

Có những con diều đứt dây bay về đâu không rõ, và kẻ ngắm diều tự nhiên thấy ngay hình ảnh một đứa bé ngẩn ngơ tiếc, tại một góc phố nào.

Thình lình, mình nghe cái gì như là tiếng lá tre khô kêu xào xạc dưới gió.

Một con diều giấy ở đâu không biết, đứt dây hồi nào mình không được chứng kiến, rơi xuống ngay trước mặt mình dưới cửa sổ lầu, trong lúc mình bận ngắm, diều rơi xuống và vướng trên một sợi dây điện cao thế.

Diều sườn trúc rộng bằng hai cánh tay người lớn dang ra, phất giấy kiếng nhiều màu, đuôi diều dài thậm thượt như đuôi chim trĩ, thấy rõ đây là công trình của người lớn chớ không phải của trẻ con. Ngộ nghĩnh quá, có những kẻ lớn xác rồi mà cứ tiếp tục chơi trò trẻ con mãi !

Diều khá nặng nhưng vẫn vướng dính trên sợi dây điện bởi mấy sợi đuôi không hiểu do đâu lại quấn quanh dây điện được.

Chính những sợi dây diều dài bằng giấy nhựa ấy đã kêu lào xào như lá tre khô cọ vào nhau.

Diều bị treo toòng teng một cách rất là nhục nhã ngay sau hàng tiếng đồng hồ tung hoành oanh liệt trên không. Vâng, hẳn là nó phải oanh liệt vì loại diều công phu như vậy không bao giờ bay dở cả, bởi kẻ nào biết chế loại diều to và rắc rối là kẻ ấy đã thạo kỹ thuật chơi diều lắm rồi.

Con diều rơi trước mặt mình, giống như một bức thư xa mà một người bạn quen mà chưa biết, từ cuối thành phố gửi đến cho mình.

Quen mà chưa biết, ừ. Chớ lại không quen à, khi cả hai cùng thích như nhau cái thú chơi diều, thú vui của trẻ con mà có lắm ông già năm mươi vẫn còn ham.

Mình lẩn thẩn tự hỏi không biết sao cái người đã dám bỏ ra một tuần lễ bện một con diều khéo như vậy lại không ký tên lên đó với địa chỉ của y. Nếu có, mình sẽ cứu vớt xác diều ấy, mang trả cho chủ nó và sẽ được thêm một người bạn mới.

Vì thấy rằng diều giấy có linh hồn, mình thương con diều sa cơ nầy lắm. Mình nghe đau, nghe mỏi như chính mình bị treo.

Bây giờ mình mới nhớ ra là dây điện của đường phố đô thành, dẩy đầy xác diều, có thể nói rằng phố nào cũng là nghĩa địa của ít lắm là một con diều, vào mùa gió.

Những xác ấy bị treo lủng lẳng như vậy, có xác rơi xuống đất sau vài hôm, một tuần, một tháng, mà cũng có xác trơ gan cùng tuế nguyệt cho đến mùa mưa mới chịu để cho phong võ làm rã thịt mục xương.

Diều sống có cá tánh riêng biệt khi bay lượn, mà chết, xác diều cũng có cá tánh nữa. Không phải xác nào cũng giống xác nào về lối chết và lối an nghỉ ngàn thu trên dây điện.

Có những xác diều buông xuôi như cam phận, trái lại có những con diều lúc hấp hối còn nuối tiếc cuộc đời, bất khuất, cứ muốn gượng gạo thoát ra khỏi chỗ nó bị kẹt để bay trở lên hay để rơi xuống đất cũng được, miễn khỏi bị treo như phạm nhân của thời phong kiến.

Diều ơi, diều có phải là gốc người Tây Tạng hoặc người của vài bộ lạc Phi Châu mà khi chết xác không thổ táng, hỏa táng mà lại không táng ?

(Bài nầy dùng làm vật liệu để viết truyện "Có những xác diều")
TIỂU THUYẾT TUẦN SAN, 1963)

KHÓC BẠN CHIM

Đường Phạm Ngũ Lão, 9 giờ sáng. Quãng đường từ tiệm nhảy Kim Sơn vô đến ngã ba Nguyễn Thái Học vắng hoe như đường trong làng.

Vỉa hè cũng hiếm bóng người. Nên chi những bộ hành đi trên đó bị để ý liền. Huống chi anh con trai nầy lại ngồi chớ không đi. Mà hắn ngồi một nơi rất chướng.

Lề đường bên kia, một hàng cây dé ngựa che bóng mát trên cỏ xanh trông quyến rũ lắm. Xanh và mát mời mọc kẻ dang nắng dọc đường.

Thế mà hắn lại ngồi trên lề cỏ bên nầy, nắng chang chang, ngay tấm vách sau của trường Tôn Thọ Tường.

Hắn ngó mông ra đường như đang sầu tình. Ai theo dõi quan sát hắn thì hắn thỉnh thoảng liếc nhìn ngọn cây bên kia đường một cái.

Thỉnh thoảng mới ngó sơ qua cái gì đó thì chẳng lạ. Nhưng hắn lại lấm la lấm lét như sợ ai bắt gặp cái nhìn trộm của hắn, nên người ta sanh nghi ngay.

Bên kia đường, hết vỉa hè là tường cao, sau tường là sở Hỏa Xa, khu chứa vật liệu...

Hắn là tay dọ đường của một tổ chức trộm hay chăng ? Hắn nghiên cứu cách leo tường nhờ các ngọn cây sát đó chăng ?

Quan sát viên không chịu tiếp bước, khiến hắn bực mình lắm. Nhưng rồi hắn nhẫn nại chịu số phận.

Bỗng hắn vụt đứng lên như có lò so bật rồi hắn nhảy ba cái là tới lề đường bên kia.

Quan sát viên kinh ngạc hết sức mà thấy hắn nắm đầu một sợi dây gai to bằng ngón tay út, lòng thòng từ trên ngọn cây xuống tới đất. Sợi dây gai nầy treo ở đó từ bao giờ rồi, không ai để ý cả.

Hắn nắm đầu dây mà không kéo xuống, lại đẩy lên, cái mới kỳ, mà kỳ hơn nữa là sợi dây cứ lên như thường, như là có ai ở trên nắm rút.

Ngước lên thì hiểu cả.

Sợi dây ấy chạy trơn trong một cái róc rách. Đầu trên treo một chiếc lồng chim. Đầu dưới có mắc một viên đá đủ nặng để trì dây xuống cho lồng chim ở yên trên cao.

Lồng từ từ được hạ thấp. Từ hông lồng chim đâm chỉa ra sáu que tre có trét nhựa. Sáu con chim dính chơn vào đó, kêu lên những tiếng kinh sợ nó vặn lòng ta lại. Ba con chim trong lồng thì một con dường như kêu lên :

- Vào đây, vào đây chơi các anh ! Có lẽ đó là chú chim mồi.

Con thứ nhì mắng lại :

- Đã bảo ! Ta đã nói là phải coi chừng, đừng có xáp lại mà !

Con thứ ba chán nản quá nên làm thinh. Hai con sau có lẽ mới bị bắt trước đó độ nửa tiếng đồng hồ.

Chim màu lá mạ non, to bằng ngón chơn cái, quanh mắt có những vòng đen trông dữ tợn như mắt tướng nịnh trong hát bội.

Sáu chú sa lầy đều được giải phóng... khỏi nhựa để rồi... nhốt chung vào lồng với lũ chim trước.

- Anh bắt một ngày được độ bao nhiêu anh ?

- Vài mươi con.

Chu choa ! Thế là phi tộc bị hao hớt non vạn trong một năm còn gì.

- Thịt nó có ngon hay không ?

- Không ăn được. Tôi bán cho tiệm chim dưới Chợ Cũ.

À, kẻ tò mò bấy giờ mới bật ngữa ra mà nhớ lại rằng tiệm chim Chợ Cũ đã quả quyết rằng loại chim khoen ấy đem từ Nam Dương quần đảo sang đây, tốn kém rất nhiều nên phải bán mắc.

Hỡi những người bạn âm thầm, trưa trưa, chiều chiều đã đánh nhạc rừng xanh để an ủi kẻ nhớ xứ quê ơi ! Sao lại dại dột đến làm chi cái nơi tội lỗi nầy mà người còn không dung người thay trong cuộc tranh sống, huống hồ gì là dung chim.

Ông A. Daudet kể rằng thành phố Tarascon đã bị loài chim ghi tên vào sổ đen của chúng. Mỗi khi chúng bay gần tới đó là chúng kêu nhau mà rằng :"Ê, thành Tarascon kia ta !" rồi áp nhau rẽ qua ngã khác.

Sàigòn cũng phải được tránh như thế các bạn chim ạ !

Không tin, các bạn cứ hỏi lũ chim sẻ thì biết...

Góc phố Nguyễn Khắc Nhu và góc phố Cô Bắc. Ở đây có một cái bể cạn chứa rác rất to. Sau bể cạn, miếng đất hoang vu bên trong là vườn chuối.

Vậy đây là nơi tập trung lý tưởng của chim sẻ. Ngày nào cũng có một bọn ba người đem lưới đến phủ trên mặt rác.

Cứ độ nửa tiếng đồng hồ là họ núp đâu đó, giựt dây một lần.

Mỗi lần lưới khép hai cánh lại là hàng mấy mươi con chim sẻ phải vòng lao lý.

Châu ôi ! Tối tối, trên các tửu lâu, những con chim sẻ trần lông nhảy tưng bừng trong những chảo mỡ sôi để cho các bạn nhai cho beo béo dòn dòn là những con vật khi sáng đang yêu đời, vui sống và yêu đương ở vào góc phố Sàigòn vậy.

Đây là một cuộc tàn sát khổng lồ vì họ bắt hằng ngày hằng trăm hằng ngàn con chim sẻ một cách dễ dàng.

Có người nói :"Đáng kiếp cho lũ chim sẻ chúng ngu quá. Cái gì mà hàng trăm con vừa sa lưới nửa tiếng đồng hồ trước thì nửa tiếng đồng hồ sau hàng trăm con khác nhảy vào nạp mạng !".

Nhưng không phải là chúng ngu bạn à ! Đó là hình ảnh cuộc đời, hình ảnh thảm thương và kinh khủng nhất của cuộc vật lộn tranh sống.

Lắm khi thấy cái chết trước mắt, ta vẫn phải lăn xả vào để tìm cái ăn. Ăn cho no rồi chết cũng mát ruột. Không ăn cũng chết kia mà !

Bác tài xế trong "Lương bổng sợ hãi" lại không ngán phải nát thân khi rủi ro chất dữ mà bác ta chở trên xe phát nổ à ?

Anh công nhân quét dọn trong bệnh viện chữa những chứng bệnh truyền nhiễm lại không sợ hãi vi trùng à ?

Chim sẻ không cảm tử đáp xuống các đống rác, không lẽ lại đáp xuống những hàng vải quanh chợ Bến Thành?

Chim ơi, nên về rừng, về thôn quê, địa hạt riêng của các bạn. Ơ đây là đất của loài người. Họ tranh sống quyết liệt quá không sao tránh đụng chạm tới các bạn được, mặc dầu họ không thù hằn gì các bạn.

Ở đây bạn hót chẳng ai buồn nghe, người ta chỉ thích nghe tiếng thịt của các bạn xèo xèo trong chảo mỡ thôi.

NHÂN LOẠI, 1957

LỌ SỨ CỔ

Cộp... Cộp... Cộp...

Mình có cảm giác rằng đang ở trong rạp hát và màn sắp được kéo lên.

Nhưng không, đây là Lạc Son Tây và hổ giá viên báo hiệu rằng cuộc mua bán bắt đầu.

Hổ giá viên là một người Pháp. Bọn họ đông đến hơn chục người, thay phiên nhau mỗi tuần, tất cả đều có được cái lanh lợi của bọn con buôn, nhưng ông nầy là người tinh ranh nhứt bọn mà mình đã quen mặt quá rồi.

- Một chiếc tủ lạnh còn mới tinh hảo, hai trăm, ai mua ?

Thật là tâm lý. Đây là chợ đồ cũ, thế mà cái lão sói đầu ấy lại khoe rằng hàng mới tinh hảo. Tuy nhiên vẫn còn có người tin.

Chiếc tủ lạnh nầy dầu cũ, cũng đáng giá năm ngàn 1. Người ta ngạc nhiên sao ông ấy dại mà bán rẻ thế. Nhưng có la cà ở đây nhiều năm mới biết được mánh khóe con buôn của các ông.

Những kẻ mua hàng ở Lạc-son Tây, luôn luôn mua hớ vì họ say máu ngà trong việc tranh mua, sôi nổi vô cùng.

Nếu lão hồi đầu ra giá ba ngàn đồng, thì chỉ có vài người quyết mua mới đưa tay lên mà thôi. Cái giá hai trăm rất buồn cười ấy làm cho hằng trăm cánh tay mọc lên thình lình và một lượt với nhau bao nhiêu chàng thất nghiệp đi lang thang trên hè phố và xem phòng nầy là cái bến ghé lại để tạm nghỉ chơn, bao nhiêu kẻ hiếu kỳ, bao nhiêu ông già bà cả mà răng lung lay rất sợ thức ăn lạnh, đều tham gia đấu giá vì tham của rẻ.

Sôi nổi nhờ đông người tham dự, và cuộc leo thang giá cả mới hào hứng. Lão Hổ giá viên hô to :

- Có ai trả lên hay không ? Xin nhắc rằng khi nền tảng là bạc trăm thì lần lên là năm mươi đồng. Vậy ai trả lên ?

Số cánh tay ngã bớt hai mươi phần trăm. Những người không cần món đồ ấy, chỉ đưa tay lên vì cái hứng nhứt thời, mà hứng nhứt thời rất giống lửa rơm.

- Hai trăm rưởi rồi đó. Nhưng còn nhiều người bằng lòng với giá ấy. Vậy ai trả lên nữa ?

Số tay rụng năm mươi phần trăm.

Cứ như thế mãi cho đến lúc chiếc tủ lạnh lên đến hai ngàn.

Bây giờ sự sôi nổi mới bắt đầu, Hổ giá viên nhắc :

- Xin nhắc rằng hễ nền tảng là bạc ngàn thì mỗi lần lên là năm trăm đấy nhe !

Bao nhiêu cánh tay tài tử đều trốn mất hết. Chỉ còn lại những cánh tay quyết ăn thua đủ với nhau. Những cánh tay ấy tự nhủ thầm : Ừ, "thêm năm trăm nữa cũng còn rẻ chán !"

Và hai ba cánh tay hiếm hoi ấy cứ thi đua mọc. Và tự ái của chủ của những cánh tay ấy cũng tham chiến nữa.

"Ừ, cái thằng cha kia, coi bộ xoàng-xĩnh như một ông ký nghèo, mình chịu thua hắn thì mình dở, vậy cứ ráng thêm nè !".

Và rốt cuộc cái ông "được" phải méo mặt vì ông ta sôi máu anh hùng, trèo lên đến bảy ngàn.

Tức thì ông ta bị nhân viên phòng hổ giá vây lấy ngay tức khắc. Ấy truyền thống của phòng nầy là như vậy. Không vây khách hàng ngay họ sẽ cút mất hết vì người nào cũng hớ tuốt, trừ bọn nhà nghề, mua đi bán lại, nhưng bọn nầy đã có cách riêng để tổ chức cướp thị trường khi có món chúng ưng ý.

Mình nhìn quanh phòng Lạc-son Tây và không khỏi mỉm cười tự bảo thầm :"Thì ra bọn nầy vẫn giữ tánh học trò thuở nhỏ".

Quả thật thế, bao nhiêu hàng ghế phía trước gần như trống trơn. Thiên hạ dồn ra ngoài sau như nước chảy chỗ trũng, giống hệt hồi đi học, cậu nào cũng rút trốn xuống xóm bàn chót cho thầy giáo ít thấy mặt.

Cái xã-hội Lạc-son Tây nầy thật là ngộ nghĩnh. Có những ông sang trọng quá chừng mà sao cứ mua giành với những người không sắm nỗi đồ mới. Có những cô me cặp tay đức lang quân đen hay trắng, mua liều, mua lĩnh khiến người ta phải sốt ruột giùm cho đồng tiền của họ. Có những chú ba, bạ gì cũng mua, đó là bọn nhà nghề nói trên, họ bỏ cuộc nửa chừng vì thấy món đồ khó bán lại, hoặc phá đám cho cuộc đấu giá hào hứng lên, chọc cho thiên hạ mua hớ để họ hối hận đào ngũ thị trường hầu các chú độc chiếm.

Người ngộ nghĩnh, đồ vật lại bâng khuâng.

Có những lọ sứ cổ, những độc bình xưa, của gia bảo, được cắc-ca cắc-củm gìn giữ mấy đời liền trong một gia đình giàu có nào đó, nay bỗng dưng vì thời loạn khó giữ của, hoặc vì thế hệ nầy suy sụp không làm tròn được sứ mạng gia truyền nữa, những lọ, bình ấy đành phải rời các tủ kiếng của hậu đường, tủ kiếng mà trước đây, người bạn thân nhất của chủ nhơn chưa dễ được mở ra để rờ mó cái da men láng mịn. Chúng ra khỏi tủ kiếng mà rất rầu lòng mà phải ngồi chung với những bộ tách trà đời nay không đài cát một chút xíu nào, phải đứng gần những chiếc đồng hồ đứt dây thiều, những cây quạt máy gãy cánh.

Phải dạn mặt dày mày như vậy để rồi vào tay những ông nhà giàu mới, sẽ được nưng niu vài thế hệ nữa, rồi một khi kia, lại phải một phen phơi mặt phong trần.

"Tích kim dĩ vi tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ, tích thư dĩ vi tử tôn, tử tôn vị tất năng độc" là tình trạng diễn ra hằng tuần ở đây, vì phòng Lạc-son Tây cũng có bán sách cũ nữa, những thư viện tư nhơn mà trong hàng trăm quyển, cũng chọn được vài quyển quí giá.

Mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời ! Và của cải xây vần, chuyển từ tay nầy qua tay kia, các tay ấy luân phiên nhau mà giữ của, vui sướng với nó đau khổ vì nó, bao nhiêu là nụ cười và nước mắt !

(bài nầy được dùng làm vật liệu để viết truyện "Tập di cảo"
(THỜI TRÂN, 1952)

--------------------------------

1

Giá năm 1950.

ÂM THANH BÍ MẬT

Lúc đó tôi mới tập đi viết báo, tôi đã ngồi trong tòa soạn hằng giờ mà không đẻ ra được lấy một chữ. Máy in chạy rầm rầm, mấy bác thợ sắp chữ nói chuyện ỏm tỏi lên, mấy thằng bạn đồng nghề cãi nhau đến bể nhà, thì còn đầu óc nào để viết nữa.

Một anh típ-pô còn trẻ, đi ngang qua mấy lần, thấy vậy mĩm cười thương hại rồi nói:

- Ông nghe họ làm gì, bịt tai lại đi.

- Nhưng bịt tai lại thì còn tay đâu để viết ?

- Nghĩa là bịt bằng tưởng tượng, tưởng như là không nghe gì cả.

Mặc dầu phương pháp của anh thợ nói ra nghe khó tin là có thể làm theo được, tôi cũng cứ theo, nếu không thì chỉ còn việc xách viết ra về.

Hai hôm sau là tôi viết báo được như nằm ở nhà quê. Từ đó tôi sung sướng quá, ai khổ vì tiếng của muôn ngàn động cơ, ai khổ vì đàn bà trẻ con trong xóm chửi lộn, mặc họ, riêng tôi, tôi điếc một cách nhơn tạo luôn luôn.

Nhưng con người sống với cơm nước mà cũng sống với hình ảnh, màu sắc, và âm thanh. Bịt tai lại bằng cách đó, con người sẽ đói tiếng động lắm. Ngặt hễ mở tai ra là chúng ùn ùn kéo vào.

Phải có một ban trật tự lừa lọc, soát vé cho đứa nào vào và ngăn đứa nào lại, ta mới khỏi ăn những âm thanh man rợ nó gặm mòn bộ thần kinh của ta.

Khó lắm, nhưng cố gắng mà tập thì sẽ thành công. Chừng ấy bạn sẽ ngạc nhiên mà thấy đô thành không phải chỉ ồn những tiếng động dơ dáy đâu.

Sáng sáng sau trận phát thanh xôi giò, bánh bèo, bắp nấu thì một giọng ngâm thơ trong trẻo nổi lên trong các xóm. Mới nghe người ta ngỡ ai mở ra-dô đâu đó vì giọng ngâm hay hơn giọng ngâm của các ngâm sĩ quen biết.

Ca sĩ vô hình ngâm lục bát như vầy:

Đậu nầy nó nóng như Trương Phi,
Dòn như pháo nổ, mua đi các bà !


Thì ra đó là chị mù bán đậu rang, còn quờ quạng ngoài đầu ngỏ. Trước kia chị nầy đi hành khất. Từ ngày có lời khuyên răn của cảnh sát, chị ta đổi nghề ngay. Cảm động thay !

Đó là một nghệ sĩ có tài mà không tự biết, người nghe cứ tiếc sao mình không có một cái máy ghi âm để thâu lấy giọng rao hàng ngâm thơ của chị.

Chiều lại, một số hành khất chưa chịu "hoàn lương" hiến cho ta những phút trở về quê cũ và thời xưa não nuột khiến cho ta rưng rưng nước mắt, nhớ lại thời thơ ấu nào.

Tiếng "kêu cơm" của họ, nhứt là vào những ngày sóc ngày vọng, đánh thức tỉnh trong lòng ta cả một dĩ vãng xa xôi: một con đường mòn uốn éo qua làng, một bà lão xách bị than van trong chiều tà:

Ớ... ơ bớ cơm, bớ gạo, làm doan, làm phước bố thí cho kẻ bần hàn...

Sàigòn bỗng chết mất đi và thôn dã hiện lên với tất cả thi vị và đói rét của nó.

Đèn đường đã bừng cháy. Trời nóng bức khiến ai cũng thèm cái gì ươn ướt mà ngòn ngọt. Vừa lúc ấy thì một thứ âm thanh huyền ảo khác nổi lên.

"Ai... bột khoai bún tàu...đậu xanh nước dừa đường cát hôn..."

Tiếng "cát" lên cao vút như đầu ngọn thông rồi hạ xuống tiếng "hôn" nó cứ mõn lần trong đêm tối như là giọng thỏ thẻ của một giai nhân.

Chị bột khoai nào cũng xấu xí cả. Nhưng đừng nhìn mặt họ, cứ lắng nghe họ rao thì bạn sẽ tương tư như nàng công chúa ngày xưa tương tư anh thổi sáo.

Năm xưa một nhãc sĩ Pháp tò mò ghi tất cả âm thanh của những lời rao của những lời rao quà ở Sàigòn.

Ghi xong xuôi, xem lại thì câu rao quà bột khoai rõ là một bản nhạc đáng chú ý.

Trong đêm lặng, ở đầu một phố vắng, tiếng rao dài thậm thượt ấy bỗng ngân nga lên, uốn éo, khác xa biết bao nhiêu với giọng rao cộc cằn của chú chệt già: "Tàu phụng dang hột dưa !".

Một bạn văn gốc Hà Nội, anh Nguyễn-Đức-Quỳnh nói: "Người Sàigòn quả thật lười, ăn gì cũng muốn làm sẵn tất cả, chỉ còn mỗi việc nhỏ là bỏ món ấy vào miệng thôi; đu đủ thì gọt sẵn xắt ra từng miếng, mía thì ép xác lấy nước".

Ông bạn ấy quên rằng người Sàigòn chúng tôi lại lười nghĩ nữa. Rao món quà, họ bắt phải rao lên tất cả thành phần của món ấy, quà nấu bằng mấy mươi thứ phải kể ra hết cho họ nghe.

Nhờ cái lười ấy mà ta có một điệu nhạc bột khoai kỳ lạ kia.

Nhưng bạn ơi, Sàigòn là một cô tình nhân đáng lắng nghe tiếng thủ thỉ vào buổi trưa.

Cô tình nhân ấy đã bị lai căng rồi. Trưa trưa cô vẫn hát ru em:

Cây đa trốc gốc trôi rồi,
Đò đưa bến khác bậu ngồi trông ai...


Nhưng cô lại pha vọng cổ trong lối hát và thỉnh thoảng cao hứng cô pha giọng tân nhạc vào đó.

Lắm khi cô còn táo bạo sửa đổi câu hát cổ truyền khiến nghe qua, không nín cười được. Thay vì ru:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Dốc nào trượng bằng dốc Nam Vang.
Một tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ,
Ngặt còn chút mẹ già biết bỏ cho ai.

Cô lại hát:

Đèn nào cao...
..............................................
Một tiếng em than, ba bốn đôi vàng anh không tiếc,
Lấy được vòng vàng em chẳng thèm biết tới anh.

Trưa Sàigòn ! Buổi trưa Sàigòn nào ký giả cũng ngược dòng năm tháng trở lộn về thời thơ ấu ở nhà quê.

Cây ở đâu không thấy nhưng rõ ràng nghe tiếng chim hít-cô kêu, cao tít mù, buồn thấm thía.

Buồn ơi, xa vắng mênh mông là buồn.

Dân tộc đã nghĩ ra một chuyện cổ tích nên thơ mới cắt nghĩa được giọng kêu rất thảm thiết và rất nhớ nhung của loài chim nầy.

H....ít...cô...cô !

Xa hơn nữa, nghe như ai gõ mủng vùa bằng cái dùi gỗ cứng:

Cốc... Cốc... cốc... cốc... cốc...

Tiếng chim kêu giống hệt thầy chùa gõ mõ nên thuở bé tôi đã tạm gọi chim đó là chim thầy chùa mặc dầu không hỏi ai để biết đích xác được cả. Nhưng luôn luôn sau đó mười phút thì tiếng chim biến ra thế nầy:

Cốc cô, cốc cô, cốc cố, cốc cô...

Đó là hai con chim, một con trống và một con mái chăng ?

Nhưng bâng khuâng nhứt là tiếng chim vịt kêu thương:

Chíp...chíp...chíp...chíp...chíp...chíp...chíp...chíp...chip...

Luôn đủ chín tiếng chip như vậy, nên người ta mới:

Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Chim ơi con người đa cảm mà tạm trú nơi đây cũng đã thấy mình lạc lõng bơ vơ rồi, chim còn tới chốn nầy làm chi ? Nhạc chim không ai thèm nghe cả, y hệt như trong những hộp đêm kia, nhạc rền tai mà không ma nào thèm chú ý, họ thích nghe tiếng cười dòn và trong của người bạn gái cùng bàn rượu hơn.

(NHÂN LOẠI, 1957)

GIẢI PHẨU TÂM THẦN

Con phố ngắn nầy đã được trải đá, nhưng chưa kịp phủ nhựa. Mình đi trên đó lần đầu và nghe một cảm giác kỳ kỳ.

Mới hôm tháng trước đây, chỗ nầy còn là rún của một xóm nghèo đông đúc. Ở đó người ta sống, vui, buồn, hạnh phúc hoặc khổ đau. Nay cũng chính chỗ nầy, mà nơi chốn nầy lại chứng kiến những thứ khác vui nhộn hơn, nhưng lại không có sự sống như cuộc sống âm thầm hôm nọ.

Thật là lạc hướng. Nhà của người bà con, trước kia mình quẹo ba lần để vào ba hẻm, giờ hẻm bị chặt đứt khúc còn biết đâu mà tìm.

À, nó kìa.

Căn nhà nầy chỉ rộng có hai thước, thế mà trên đó chồng lên tới hai từng gác.

Ngày thường nhà nầy dựa vào nhà kia nên không thấy nó cheo leo, nhưng khi mà chung quanh bị dở đi hết, nhà nầy như thình lình mới mọc lên, ốm nhom ốm nhách tưởng chừng như cỡ gió thổi mạnh là nó sẽ ngã ngay.

Con phố nào mới xẻ xuyên xóm lao động cũng thế cả, nghĩa là rọi đèn vào các xó hiểm hóc để làm lộ ra bao nhiêu cái bẩn thỉu, xấu xí và vô trật tự ẩn dật từ bao lâu nay trong ruột xóm.

Con phố mới, giống như một anh chàng "hình dung chải chuốt áo quần bảnh bao" mà mắc tâm bịnh, nhờ y sĩ chuyên môn giải phẩu tâm thần cho. Bao nhiêu ý nghĩ bỉ ổi bị dồn ép trong tiềm thức của chàng ta, được va khai tuốt ra hết trong giấc ngủ thôi miên mà y sĩ gây ra.

Lắm khi, chính vị y sĩ vốn đã biết rất nhiều về uẩn khúc của lòng người, mà còn phải kinh ngạc tự hỏi sao cái bề ngoài của anh chàng đẹp thế mà lòng anh ta lại u uẩn thế kia.

Dãy nhà nằm tại mặt tiền con phố, rất là dị kỳ, có nếp nhà đưa mặt nhìn ra đường một cách tình cờ may mắn, có nếp nhà như giận ai ngoài ấy, xây mặt vào trong, đưa mông ra ngoài. Nhà cửa cất bừa bãi không xin phép thì cái trông mặt ra hướng Đông, cái nhìn hướng Nam, hễ xẻ đường ngang xóm thì những nhà thoát nạn lộ ra, ngồi đứng hỗn loạn như bọn say rượu.

Nhưng trình diện với khách qua đường mặt tiền hay mặt hậu gì cũng còn dễ coi hơn những nếp nhà nằm xéo, nó giống như những kẽ vô kỷ luật bất lịch sự, không chịu đứng yên theo người ta cho rộng chỗ mà cứ thúc bên nầy một vố, xô bên kia một cái.

Có những nếp nhà nhiều từng, nhưng vách ngoài, từ dưới lên trên làm toàn bằng gỗ thông và thiếc của những thùng rượu, thùng bánh ngoại quốc, thùng sữa bò, có in nhãn hiệu màu lên đó và những lời dặn dò các hãng vận tải, đọc lên nghe rất buồn cười : Sợ ẩm ướt; Sợ nóng dòn : Dễ bể; Hầm rượu Sahel; Bánh mì nướng của hãng Société diététique de Paris.

Thế mà những nếp nhà ấy lại phải triển lãm những chiếc áo vá quàng ấy ngoài đại lộ thì chúng bị mặc cảm và nhột nhạt, mắc cỡ vì cái rách, cái bẩn của chúng biết bao nhiêu !

Chính mình cũng khó chịu, y như là đang ngồi tửu lâu ăn uống ngon lành, chợt một hành khất bước vào, chìa nón lật ngửa ra, khiến mình mất hứng tức khắc. Cũng may là mình đang sung sướng đấy nhé mà còn khó chịu như thế. Mình sung sướng nghĩ rằng mở đường xuyên các xóm lớn, tức là mở cửa sổ để cho người giữa xóm được hưởng ánh sáng và không khí. Mình tưởng tượng nắng và gió đang tàn sát bao nhiêu vi trùng núp dưới những mái nhà ẩm thấp tối thui và kín như buồng gói ấy. Những con vi trùng ấy hiện đang hấp hối trên các nền nhà giải tỏa, nằm ngổn ngang trên vỉa hè chưa được sửa sang cho bằng phẳng.

Tuy nhiên, khó chịu của đôi bên, của nhà xấn và của khách qua đường, tháng tới tự nhiên sẽ tiêu mất mà không đợi chính quyền can thiệp đến.

Nầy nhé, bạn đang sống yên lành bên mái nhà lụm thụm của bạn, đô thành rất bực mình nhưng không đuổi bạn được, ấy thế mà bỗng dưng tự nhiên bạn lại tình nguyện dở nhà đi một cách vui lòng.

Một hôm, có một ông ngừng xe hơi lại ngoài phố rồi xâm xâm đi vào và đề nghị xẳng lè :

- Ê ! Cái nhà lá nát của anh đây, bảy chục ngàn bán không ?

Chẳng những bạn bán ngay, mà lại còn xá ông ấy một cái nữa là khác. Thật là ngon lành, còn ngon hơn phụ cấp giải tỏa nhiều, nếu bạn bị giải tỏa.

Tháng tới đây, con phố nầy sẽ đẹp, nhà lầu sẽ mọc lên ngay hàng thẳng lối, và ai cũng hài lòng cả, người bà con mình sẽ được non một trăm ngàn, đô thành khỏi mang tiếng nếu ra tay giải tỏa, và khách qua đường sẽ thầm reo :"Có thế chớ, nếu không người ngoại quốc viếng Sàigòn, họ về nước họ tả lại cái rách của ta thì xấu hỗ lắm".

(Bài nầy được dùng làm vật liệu để viết hai truyện "Có những xác diều" và "Hoa phong lan triển lãm")
(BUỔI SÁNG, 1959)

LAN ĐAM MÊ

(Nhơn xem triển lãm lan)

A, hôm nay có sự lạ đây !

Người ta đem rừng sâu về nhốt trong một phòng rất là văn minh của Sàigòn. Không mấy thuở mà mắt mình thoát màu nhựa nâu phủ đường và màu xi măng cốt sắt của thành phố thì dại gì lại không thăm viếng người sơn nữ vừa hạ sơn để cho màu xanh của rừng làm mát mắt mình trong giây lát.

Với lại, đã bảo là sự lạ mà. Cái phòng nầy, từ bao lâu nay chỉ chứa thiên nhiên bằng dầu, bằng goách, bằng màu nước, bằng mực Tàu, trên bố, trên lụa, trên giấy, nay bỗng dưng lại tiếp khách rừng xanh chánh hiệu "con nai vàng ngơ ngác".

Lan ! Lan nhiều quá và đẹp quá.

Về cái khoảng "nhiều", phải hiểu là chỉ tương đối nhiều mà thôi vì các nhà thảo mộc học quả quyết rằng có hơn mười ngàn loại lan.

Nhà nghệ sĩ (chớ lại không à ?) đã triển lãm lan hôm nay hẳn không thể không biết điều đó, và chắc cụ ấy rất khổ vì cụ không có đủ "bộ".

Mình nghĩ ngay tới cái ý trên khi vừa để chon vào phòng triển lãm.

Ông cụ triển lãm lan ban đầu chắc là chơi lan vì lan, như chơi cây cảnh, chỉ để thưởng thức vẻ đẹp của lan mà thôi.

Nhưng rồi ông cụ nghĩ rằng lan có nhiều loại thì ta phải cố tìm cho đủ. Và tự nhiên ông cụ biến thành nhà thu tàng rồi, không say mê lan vì lan nữa, mà cứ khao khát có cho thật nhiều loại, cho đủ loại.

Nỗi khổ của những người thu tàng, ai có qua cầu mới hay. Ông cụ chắc đáng tội nghiệp lắm!

Không hiểu sao, mình nhớ ngay đến ông Nhất Linh. Có lẽ tại cái suối Đa-mê, nơi ẩn dật của ông chăng ? Không, không phải vì ông Nhất Linh cũng chơi lan rừng đâu. Chắc chắn là tại địa danh Đa-Mê.

Đa-Mê hơi giông giống đam-mê.

Kẻ nào có một đam-mê nào, cho dẫu là hạ cấp, cũng hay ho hơn là kẻ không hề thích cái gì bao giờ.

Người thu tàng là những người có đam-mê đấy. Họ hay ho... cho ta, nhưng ta rất thương xót họ. Tuy nhiên họ vẫn sung sướng vì đam mê của họ, mặc dầu họ rất khổ cũng chính vì đam-mê của họ.

Người chơi tem hẳn phải hay hơn những người không chơi gì cả. Ta thấy họ hay, nhưng ta thương họ khi bắt chợt họ rượt theo một phong bì cũ mà gió thổi bay lăn trên vỉa hè : họ hy vọng chớp được một bưu-hoa lạ. Và họ như trúng số độc đắc nếu quả lần ấy họ bắt được một con cò hiếm có. Nhưng mà rồi họ vẫn khổ vì làm thế nào để cho đủ số tem trên thế giới từ cổ chí kim ?

Mình nhớ đọc báo ngoại quốc mấy năm trước, có thấy chuyện một nhà tỷ-phú nổi danh về bộ bưu-hoa của ông ta. Nhà tỷ-phú ấy đã ám sát một tư chức hiền lành và nghèo túng, để chỉ chiếm được một bưu-hoa độc nhứt vô nhị trên đời mà chỉ có viên tư chức ấy có thôi, nhưng hắn khư khư ôm giữ lấy, nài mua mấy triệu hắn cũng không khứng bán.

Con người lành mạnh tâm trí, vẫn có thể giết người, nhưng không bao giờ giết vì một lý do như vậy.

Quả đó là một chứng bịnh tâm thần.

Bịnh nầy chia ra làm hai thời kỳ, thời kỳ nhuốm bịnh, tức là lúc mà ta bắt đầu có ý muốn tích trữ vì lý do gì đó chẳng hạn như tích trữ những bao diêm, qua các thời đại để giải trí. Thời kỳ thứ nhì là thời kỳ mà chứng bịnh bạo hành, con bịnh lên cơn sốt dữ dội, cứ ngứa ngáy tích trữ không có mục đích giải trí nữa, tích trữ, để mà tích trữ cốt lấy nhiều, mê man trong cái công việc mà họ không còn biết vì sao mà họ làm, và làm để làm gì.

Ngay trong nước, mình cũng đã biết hai vụ tương tợ như thế.

Thuở mình còn bé, đâu lối 1932 gì đó không nhớ nữa, ở Sàigòn có một ông Chưởng khế rất uy tín và bề thế, tên là ông Mathieu.

Ông ấy được đầy đủ hạnh phúc gia đình và sức khỏe, vậy mà một hôm ông ấy dùng súng lục để bắn vào đầu ông.

Sau cái chết thê thảm đó, nhà chức trách điều tra ra thì mới hay ông ấy đã thụt hằng triệu bạc Đông Dương mà giá đáng hằng trăm triệu ngày nay của nhiều gia đình giao phó cho ông cất giữ (Chưởng khế, theo Pháp, được quyền cất và quản trị những tài sản riêng).

Ông Mathieu thụt số tiền ấy để mua tem hiếm có mà một con giá có thể lên đến hàng triệu bạc ngày nay.

Ban đầu ông ta cũng chơi bưu-hoa một cách tài tử thôi, nhưng về sau ông ta trở nên một nhà thu tàng mê mẩn.

Còn đây là vụ thứ nhì.

Một hôm, vào lúc nửa đêm, người ta bắt được trong cái sân con của một nếp nhà lá nơi một khu phố bình dân kia ở ngoại ô Sàigòn, một tên trộm... bảy mươi tuổi.

Điều tra ra thì tên nầy là một đại điền chủ ở Hậu Giang, tản cư lên Sàigòn từ ngày trong nước loạn lạc, ông ấy bỏ nông nghiệp, xoay qua doanh thương và vẫn tiếp tục làm giàu, còn giàu hơn xưa nữa, con cái đều làm ông nọ, ông kia.

Tên trộm kỳ dị nầy trộm một món đồ còn kỳ dị hơn nữa, một món đồ mà ngày xưa người ta mua hai xu một chiếc, bây giờ 1 thì giá đã lên đến hai chục đồng, nhưng hai chục đồng cũng chỉ là tiền bố thí ăn mày hàng tháng của nhà tỷ-phú đó mà thôi.

Đó là một ngôi chùa bát giác nhiều từng, bằng sứ nhiều màu do kỹ nghệ đồ sứ Trung Hoa sản xuất để gắn lên những bộ giả sơn.

Chẳng, ngôi chùa ấy, trên bộ giả sơn của ông nhà giàu đó, đã rủi ro bể đi. Những ngôi chùa ngày nay bán ngoài chợ Bến Thành to quá, to gần bằng ngọn núi giả của ông ta, không hiểu vì dân Trung Hoa bỗng nhiên kém thẩm mỹ hay sao không rõ mà lại sản xuất một món đồ sai tỷ lệ thước tấc không dùng được nữa, thế nên nhà tỷ phú ấy đã nghĩ cách tìm mua lại các hòn non bộ tiền chiến, mua cả bộ cũng được mà chỉ cần lấy một ngôi chùa thôi, và với bất cứ giá nào cũng được.

Ông ta gởi thơ cho bạn hữu ở tỉnh nhờ họ lục lạo giùm, nhưng suốt một năm trời, không ai tìm ra của hiếm ấy cả vì chiến tranh đã tàn phá cả đến nhà cửa nữa, chớ đừng nói là một món đồ chơi để ngoài trời như vậy.

Sau nhờ tình cờ, ông bắt gặp một ngọn núi giả lâu đời ở xóm bình dân đó, và rủi ro cho ông là ông cũng rơi phải vào tay một kẽ khư khư giữ của lạ, thành thử ông bị đẩy vào cái thế đi ăn trộm.

Việc ăn trộm của hai ông nhà giàu nói trên không phải là cái bịnh tham của mà y học thái tây gọi là cleptomanie. Hai ông ấy bịnh ở ý chí thu tàng của lạ chớ không phải bịnh như một số nhà giàu kia, vào hiệu tạp hóa ăn cắp một chiếc dao con, một lọ nước hoa đâu.

Mình đưa mắt nhìn quanh để tìm nhà nghệ sĩ biến thành con bịnh mà không dè, nhưng không thể biết được cụ nào vì đang có đến mấy mươi cụ trong phòng triển lãm nầy.

Tuy nhiên mình rất sung sướng. Tất cả những người có mặt điều biết thưởng thức một cái gì.

(Bài nầy 9 năm sau được dùng làm vật liệu cho truyện "Tích cốc phòng cơ")

(NGHỆ THUẬT, 1966)

--------------------------------

1

1956.

VĂN NGHỆ ĐỨNG ĐƯỜNG

Một nhà làm báo tuyên bố : "Tôi không dám dùng lối diễn tả bằng văn nghệ nữa, vì văn nghệ là một thứ đại xa xí phẩm rất khó tìm khách".

Ông ấy nói đúng theo tình trạng ở... nước khác.

Người Việt ta, không hiểu vì nghiệp chướng nào mà bận bịu mãi với văn nghệ, từ anh trạo phu đến bác xích lô ai cũng ngâm thơ.

Có phải chăng là nhờ những người hoạt động trong ngành văn nghệ đã tìm mọi cách để phổ-thông-hóa thứ đại xa xí phẩm ấy ?

Mà thật đó các bạn à ! Có một thứ văn nghệ mà nhiều bạn của ký-giả gọi là "văn nghệ đứng đường" vì nó bị phơi nắng từ sáng đến chiều ở các ngã ba đường cái.

Nhưng bạn đừng tưởng ký-giả muốn ám chỉ đến những hàng sách lộ thiên bày trên vỉa hè trước các rạp chiếu bóng.

Không, những hàng sách ấy chỉ bán những sách trinh thám nhập cảng vì mục đích chuyển ngân lậu, và những sách xuất bản theo quan niệm làm tiền kinh khủng mà nhiều báo đã tố cáo.

Ở đó người mua kì kèo bớt một thêm hai như mua cá, vì sách ghi giá ba mươi đồng mà mặc cả một hồi rốt cuộc chị phải trả có năm đồng thôi.

Văn nghệ đứng đường chỉ trình diễn ở vùng Ông Lãnh, Xóm Củi, nơi tập trung các ghe thương hồ, và ở những xóm lao động thôi.

Nếu những hàng sách loại trên làm cho kẻ thức giả công phẫn thì những hàng sách loại dưới, vì gương mặt mộc mạc của bìa sách, hay mời bạn cúi xuống để mua.

Đó là những quyển sách mỏng dị thường, ghi giá bao nhiêu bán bấy nhiêu, nhưng không quyển nào để giá trên ba đồng cả.

Bìa sách vẫn xanh xanh đỏ đỏ nhưng đó là những màu xanh đỏ của dân tộc, chớ không phải "bảy màu offset" của loại sách "đại giảm giá", lai căng và trơ trẽn như me tây.

Màu sắc cổ sơ và nét vẽ vụng dại của bìa sách sao mà hòa hợp với đất nước như thế ! Một ông chủ hiệu chạp phô kia đã gởi gắm rằng những ống tiền chế tạo theo hình thức con heo đất đo đỏ vàng vàng bán chạy gấp trăm lần những loại ống tiền khác, hình tủ sắt, hình đờn dương cầm, vân...vân...

Chi tiết thương mãi trên đây chứng tỏ rằng dân tộc chỉ thích hình dáng và màu sắc dân tộc thôi. Nhà trình bày sách hành động vì mục đích thương mãi đã đành, nhưng đã gián tiếp phụng sự văn nghệ, đưa nó một cách quyến rủ tới tay bình dân.

Cúi xuống xem qua, bạn ngạc nhiên biết bao mà nghe từ dưới ấy thở lên những làn hơi lành mạnh nó như đưa bạn về những làng xa yên tĩnh, hay về những thời xưa bình dị nào.

Đây là những nhan sách lỏm bỏm nhớ được: Quả dưa hấu, Hòn vọng phu, Trương Chi Mỵ Nương, Trọng Thủy Mỵ Châu, Sự tích trầu cau, Thiếu phụ Nam Xương, Nguyễn Biểu, Huyền Trân Công Chúa v...v...

Thật là khác xa những nhan giựt gân hoặc những nhan ẻo lả của sách "đại giảm giá" : Xác chết chạy đâu, Đầu lâu đẫm máu, Liễu rũ bên hồ, Thôi còn đâu nữa mà mong v.v...

Hầu hết những truyện cổ tích Việt Nam, những nhơn vật lịch sử của ta đều được viết thành sách in bán với giá thách đố cả mọi cạnh tranh, rẻ như một tờ báo hằng ngày.

- Nhưng sách ấy có văn nghệ hay không chớ ?

Các bạn cứ lật xem thì khắc biết :

Truyện rằng ngày xưa,
Hùng Vương mười bảy làm vua nước nhà.
Thái bình thạnh trị âu ca,
Dưới trên trăm họ thuận hòa yên vui.
Bữa kia bỗng có một người.
......................................................
.......................................................
Lá khoai anh ngỡ lá sen,
Bóng trăng anh ngỡ bóng đèn anh khêu,
Thương người thục nữ bao nhiêu,
Khiến lòng quân tử chín chiều tương tư.

Vẳng nghe như ai "nói thơ" trong thôn xóm, hoặc trên một chiếc thuyền thương hồ xuôi ngược nào, ở một thời mà Vọng cổ và Tân nhạc chưa ngự trị trên môi người dân.

Nên biết rằng thi phẩm Lục Vân Tiên ngày xưa cũng ở trong chợ văn nghệ đứng đường ấy mà ra, thì biết đâu ngày kia các nhà phê bình lại không khám phá được vài danh tác trong mớ sách ba đồng nói trên.

Dầu sao, hiện giờ công dụng của loại sách đó cũng đáng kể lắm rồi : ông Trần Bình Trọng đã lấn ông Tiết Nhơn Quý và ông Trương Phi đã nhường chỗ cho ông vua Quang Trung.

Có một người thóc mách kề tai tôi mà nói nhỏ rằng những tên lạ hoắc ký ở bìa sách đều là ẩn hiệu của thi sĩ Linh Lan tức là nhà văn Triệu Triệu.

Gặp Linh Lang tôi hỏi :

- Sao anh lại giấu tên ?

- Tôi viết vội quá, không biết nó có thành thơ hay không.

- Cứ nhận lì đi. Có cần gì những vần ấy thành thơ tuyệt tác đâu. Nếu có thành thơ được thì quí còn rủi nó là vè đi nữa thì nội cái việc làm ra nó cũng đáng mến phục lắm rồi. Tại sao anh không sáng tác những chuyện tình éo le, những câu chuyện cướp rùng rợn lại nghiêng mình xuống kho tàng phủ bụi của dân tộc ? Mà lại dùng lối thơ đặc Việt là thơ lục bát ? Có phải chăng là phụng sự...

- Lớn lối quá, tôi không dám mong.

Khách thưởng thức món văn nghệ đứng đường nầy là ai ? Cố nhiên là những người bình dân.

Nhưng có một hạng khách bất ngờ lắm, đó là học viên của các lớp phá mù chữ.

Học chữ xong, không sách đọc, mấy ông cụ, bà cụ ấy sau một thời gian ngắn, quên tuốt cả i tờ.

Vớ được một quyển Hòn vọng phu họ nghê nga cả ngày, đọc thơ như đọc văn xuôi.

Nhưng khi đọc chữ chạy rót, họ bỗng thấy như trước mặt họ một chân trời mới lạ mở ra.

Họ khóc gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, họ cười ông Cống Quỳnh kỳ khôi, họ ngán cái ghen bóng ghen gió của chồng người thiếu phụ Nam Xương.

Tâm hồn và trí não của họ bỗng trở nên phong phú lạ kỳ. Một ông cụ bùi ngùi than:

- Trời ơi, đến bạc đầu tôi mới biết được thứ nầy.

(NHÂN LOẠI, 1957)

NƯỚC TÀU MUÔN THUỞ

Năm xưa, một người Pháp ở đây đã khoe với bạn từ Ba Lê mới sang: „Chúng tôi đã nhốt nước Tàu trong Chợ Lớn".

Cứ nghe theo ông ấy, bạn vào Chợ Lớn sẽ thất vọng ngay vì không thấy nước Tàu đâu cả. Ngày nay lại càng không thấy hơn, vì người mình đã xen lộn rất đông với người Trung Hoa từ lúc chiến tranh.

Nhưng nước Tàu quả thật có mặt đâu đây. Người ta cảm nghe nó hiện diện, nhưng không rõ được nó ở đâu.

Tôi muốn nói đến nước Tàu muôn thuở với biệt sắc đệ nhất vô nhị của nó, chớ không kể đến những tửu lâu lai căng mà trong đó người ta ăn vi cá mà uống cỏ-nhác, không kể những tiểu thư mặc áo Thượng Hải mà nói tiếng Ăng-Lê.

Nào đâu thủ hạ của Dương Ngạn Dịch, những kẻ phiêu lưu đã họp sức với các tay tiên phong của ta để xây dựng miền Nam? Họ đã bị Việt hóa cả rồi không còn dấu vết gì của người tị nạn Mãn Thanh hay sao ?

Người ta quả quyết rằng nước Tàu có mặt thì nó có mặt bằng những kẻ đến sau. Tôi không tin thế, vì dân phiêu lưu nào cũng muốn thành công cấp tốc mà không ai thành công được với những cái cố hữu của nước nhà họ.

Nước Tàu ở đây phải chăng là vài ngôi chùa mái cong cong lợp ngói ống bằng đất hay bằng sứ làm cho ta nhớ lại những chiếc am cheo leo trên sườn núi của một chuyện đời xưa nào? Phải chăng những anh chàng bán tiêu thiều thổi lên dọc đường những điệu nhạc đau thương của một dân tộc ngàn năm bị áp bức ?

Không, tôi đã tìm thấy nước Tàu thật sự ở ngoại ô xa kia.

Bạn hãy đi Bình Đông một chuyến chơi. Khi qua khỏi hai cây cầu sắt cao như nhà lầu, bạn sẽ có ảo tưởng rằng bạn đi du lịch ở đồng quê Trung Hoa.

Nông dân ở đây có một bóng dáng lạ kỳ. Họ đội những chiếc nón mây mường tượng như nón cụ của ta nhưng nhỏ hơn, có khoét lổ ở giữa để lòi tóc ra nếu người đội nón là phụ nữ, và để lòi cái sọ trọc ra lếu người đội nón là đờn ông con trai. Quanh vành nón, điểm vải đen thả xuống như để báo rằng dưới chiếc nón ấy đang núp những cuộc đời đen tối.

Họ gánh những thùng thiếc có gắn ống tre bên hông, tay đẩy nghiêng thùng, chơn đi dài theo những vồng cải.

Vồng cải đấp cao hơn mặt đất đến ba bốn tấc tây, thành vồng láng quyên như tô xi măng và vòng nào cũng ngay boong như công trình của thợ hồ khéo.

Đó là hình ảnh trung thành của một nước Tàu chen chút nhau trên châu thổ Hoàng Hà và về sau, trên châu thổ Dương Tử, vì thiếu đất nên phải làm cực lực (culture intensive), chăm sóc đất như nuôi một đứa con èo uột.

Ngàn năm về trước, nước Tàu đã trồng cải như thế, không phải vì họ không biết theo thời mà vì phương pháp canh tác cực lực là phải làm như vậy.

Rời khỏi chiếc đai trên lưng mẹ, người nông dân Tàu đã vuốt cái thành vồng cho láng, mãi cho đến khi được vùi nông một nấm.

Những người Triều Châu trồng cải ở Bình Đông phải chăng là con cháu của đoàn Dương Ngạn Địch ? Những kẻ phiêu lưu đầu tiên, đến đất hoang, buộc lòng phải theo nghề nông, rồi cha truyền con nối, họ vung trồng tưới cải mãi cho đến ngày nay ?

Ai nấu mì sẽ giải nghệ, anh thợ làm đèn giấy tròn tròn rồi sẽ đổi nghề. Họ sẽ được việt hóa hay sẽ về Tàu. Nhưng những người trồng cải vung vồng nầy sẽ bám mãi vào mãnh đất đen mướt ở Bình Đông vì không ai giựt nghề họ được mà cũng không ai tẩy chay hàng hóa họ được.

Họ sống riêng biệt ở đó, nước Trung Hoa biến đổi với tháng năm, nước Việt Nam và thế giới sẽ thay hình, nhưng họ ôm mãi tình trạng nông dân Hán, Đường, Nguyên, Tống, Minh, Thanh.

Ba trăm năm nữa Sài Gòn chúng ta vẫn còn chứa chấp một nước Tàu nhỏ đó, không nguy hại cho an ninh và nền kinh tế của ta chút nào cả, vì đó là một nước Tàu thủ phận, chỉ mong được chén cơm hằng ngày, nhưng mà sức sống lại phi thường không sao đồng hóa được.

Sài Gòn xa hoa nhưng Sài Gòn cũng làm việc. Nhưng không đâu người Sài Gòn làm việc nhiều bằng ở đây. Đó là một trường hợp cần cù và nhẫn nại mà ai muốn theo gương phải tới đó mà thọ giáo. Câu hát "Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu" ở đây mới đầy đủ ý nghĩa.

Họ thức khuya dậy sớm, họ chân lấm tay bùn, những thứ ấy không thấm vào đâu đối với việc họ nhào, họ trộn phân người để tưới cải, đối với việc họ ở cạnh những cái ao phân ấy từ năm này đến năm khác.

Chiều đến, người ta thấy đàn bà thấp nhang ngoài sân không phải để cầu nguyện phát tài phát lợi mà chỉ van xin ma quỉ đừng ám hại họ thôi.

Họ đã nhẫn nại đến chỉ dám mong được sống an ổn là sung sướng lắm rồi. Đó là mong mỏi của dân Trung Hoa từ thuở Thần Nông.

Còn đờn ông thì uống trà, đánh cờ tướng trước những cái nhà vách ván to bằng một chiếc xe hơi bậc trung, thỏa chí bình sanh như trên đời chỉ có bao nhiêu sung sướng đó thôi. Đó cũng là món hưởng thụ độc nhất của dân quê Trung Hoa từ thuở Hoàng Đế. Nước Tàu muôn thuở ơi, đẹp hay xấu, hại hay không, đây không xét đến. Chỉ biết là người đã tô lên một góc Sài Gòn một biệt sắc riêng, làm cho gương mặt của nó thêm một nét ngộ nghỉnh thầm kín dễ yêu.

(Nhân Loại, 1957)

HUI NHỊ TỲ (1)

Nếu bạn không tin dị đoan và không sợ rông trong tháng đầu năm thì tôi xin bạn... hui nhị tỳ với tôi chơi. Hui nhị tỳ là một động từ kinh khủng, kinh khủng cho đến nỗi người ta không dám nói tiếng Việt mà lại dùng tiếng Tàu để cho cái nghĩa bí ẩn của ngôn ngữ ngoại quốc giúp cho đỡ sợ.

Người chết bị bỏ quên ! Cho đến cả người thân yêu của họ cũng bỏ quên họ. Bạn sẽ chết. Như thế bạn có tủi trước cho số kiếp bạn hay không ? Nếu có thì nên đi thăm họ vậy.

Bước lên xe kiếng 1 đi viếng mã chồng,
Cỏ non chưa mọc trong lòng thọ thai.

Hai câu ca dao Sàigòn trên đây cho ta thấy cả cái chua xót của một người bị bắt an trí ở một xó nào đó để họ rảnh nợ mà trở vô guồng sống quay cuồng của họ.

Hui nhị tỳ buồn lắm. Để cho bạn khỏi thấy cảnh :

Sè sè nấm đất bên đàng...

mà mủi lòng rồi vạch da cây mà đề thơ cho ma nó hiện lên lôi thôi lắm, tôi xin đưa bạn đến một nhị tỳ vui.

Đó là nhị tỳ của các Hội đồng hương của các tỉnh miền Nam.

Đường đi Bà Quẹo. Khỏi cột dây thép gió một đổi, bạn quẹo qua tay mặt để vào chùa Ông Tạ.

Qua khỏi chùa, cảnh như cảnh quê miền Đông với những con đường mòn núp bóng bờ tre, với các cây rơm phơi giữa đám gốc rạ. Rồi thì tới nghĩa địa.

Bạn ở Sađéc trôi nổi lên đây làm ăn mà rủi có mạng hệ nào, bạn đừng lo bỏ thân xứ người. Trong nghĩa địa, bạn sẽ gặp đủ mặt người đồng hương giữa một ô riêng dành cho tỉnh Sađéc.

Những đêm mưa dầm, ma ở đây chắc không lạnh bao nhiêu, vì quanh họ đông đúc những gương mặt thân yêu, tha hồ trò chuyện cho ấm lòng.

Tỉnh nầy muốn qua tỉnh kia thăm bạn, chỉ phải bước qua một hàng rào. Gần hai mươi tỉnh sát cánh nhau để dựng lên lên một miền Nam trong cõi âm.

Người sống hay đòi thống nhất nhưng họ lại bắt người chết phân ly: Bắc Việt nghĩa trang, Trung Việt nghĩa trang, và Nam Việt nghĩa trang nầy là ba thế giới riêng biệt không có đường xe lửa nối liền.

Riêng dân chết của Nam Việt họ tự trị mỗi tỉnh một ô riêng ngăn ranh giới bằng giây kẽm gai, ý chừng để ngừa xâm lăng.

Có một bà kia người Cần Thơ mà lấy chồng là dân Biên Hòa. Khi bà mãn phần, gia đình bà bối rối hết sức không biết đưa linh cửu của bà về xứ hay về quê chồng, mặc dầu hai nơi đó chỉ cách nhau có mấy mươi bước.

Rốt cuộc người ta kết luận : Cần Thơ và Biên Hòa xa nhau không tới một cắc tiền xe thì ai nằm xứ nấy.

Ngày sau hai vợ chồng ông nầy thăm nhau chắc tiện lắm.

-¯—

Về tới nửa đường, bạn quẹo qua tay trái, theo đường Hai Mươi (Phan Thanh Giản) để vô vườn Bà Lớn !

Đây là nhị tỳ tư gia, nhưng đồ sộ không kém một nhị tỳ công cộng.

Trước chiến tranh, từ đường của họ Đỗ Hữu nầy nằm riêng biệt một nơi hẻo lánh, đứng trước cổng có thể ngắm mặt trời lặn trên cánh đồng hoang bên kia đường Hai Mươi.

Nghĩa địa ngày trước được một lũy tre dày mịt bao học lấy.

Nhưng vì chiến tranh ở thôn quê nên người sống đã tràn đến đây đốn rụi lũy tre xanh mà cả vườn xoài bên trong cũng không còn một cây để che mồ.

Những con đường trải sạn trắng trong nghĩa địa đã biến thành những lối mòn ngập đất bột và cáo ao sen ở giữa ngày xưa liễu rũ soi bóng dưới nước xanh lơ, bây giờ dùng làm hầm đổ rác.

Kẻ chết củng cố thành trì cẩn thận bằng dây kẽm gai nếu không, làn sóng người cứ xung phong vô mãi thì nguy mất. Tuy thế, đám đất giữa nhà mồ và những ngôi mộ chánh cũng đã bị người ta vun vồng để trồng hoa và người ta thả bò nghỉ mát.

Nơi đây là nơi mà các học sinh thi sĩ của trường P.Ký thời tiền chiến thường lui tới để tìm yên sĩ.

Ngày nay thơ ở đây vẫn còn, nhưng không phải là thơ tươi đẹp nữa, mà là những vần tuyệt vọng khóc cảnh điêu tàn.

Tôi đi vòng quanh đó để tìm ngôi mộ của cô V.T.L. chết năm 18 tuổi. Hồi còn là nội trú trường P.Ký tôi đã nghịch về ngôi mả nầy khiến một số học sinh kinh hoảng và khiến cô bạn đang duy vật bỗng ngã qua duy thần 2 .

Tấm mộ bia vẫn còn tươi nét vàng nhưng nhiều tảng xi-măng của ngôi mộ đã long ra, nằm lăn lóc trước đó.

Vô số là chó hoang chơi giỡn trước mộ của cô gái nửa chừng xuân gãy cành thiên hương ấy, còn ngôi mộ của ông phi công vị Pháp quốc vong xu là nơi trẻ quanh xóm xé rào vào đánh đáo.

Ai ôi, có lập nghĩa địa thì nên đoán trước sức bành trướng của thành phố trong vòng một trăm năm để khỏi đào hào đắp lũy mà vẫn bị xâm lăng như thường.

- ¯ —

Về vụ người sống lấn người chết, cảnh rõ rệt nhứt là cảnh đất thánh của nhà thờ Cầu Kho.

Đất thánh ấy ở giữa tring tâm thành phố, bạn bước tới mà xem.

Những ngôi mộ bia bị giấu mật dưới những nếp nhà lá nhỏ như chiếc khăn mu soa, rồi trong đó, đám người kẻ dương gian người âm cảnh, ngủ chung với nhau.

Nếu có ma thì ma ở đây rất sợ người ta, những người lì lợm; mả mới mả cũ gì họ cũng cất nhà chồng tưới lên.

Nhiều nhà mồ biến thành trại mộc và có vài ngôi mộ có rào sắt, bị người ta dùng làm chuồng heo.

Ở đây dương thịnh mà âm suy, ông lang nào có muốn bốc thuốc hiệu nghiệm thì tôi xin mách một toa toàn vị bổ âm :

1/ Đất trống vài mẫu.

2/ Cây lá vài trăm xe.

3/ Sở phí dọn nhà vài trăm ngàn.

Mấy vị thuốc nầy uống vào thì âm hạ ngay cho dương trở lại. Toa gia truyền nầy là toa "giải tỏa và định cư" 3

- ¯ —

Các bạn có muốn xem một nhị tỳ tản cư hay không ?

Các bạn cứ lên đất thánh Chà. Đất thánh ngày nay là trú xá của nhân viên Sở rác và là cái kho chứa xe của Sở rác.

Ở đây âm đã hoàn toàn suy liệt và cõi âm đã trong sáng những ngôi nhà xinh xắn và những tiếng trẻ vui tươi.

Nhưng dấu vết âm vẫn còn ràng ràng. Một đống đá xanh, tấm nào cũng to gần bằng bộ ván chất cạnh câu lạc bộ giữa sở đất.

Đó là mộ bia nằm, theo lối Âu Châu của những ngôi mộ bị bốc.

Tại sao gọi là đất thánh Chà ?

Thật là bí mật. Tôi đã xem kỹ những nấm mộ bia ấy. Tấm nào cũng khắc tên Tây cả, những ông Tây bà đầm đã tới đây trong thời chinh phục.

Ngày nay họ tản cư về đâu không biết, ta hui nhị tỳ để thăm họ, họ dời nhà mà không để địa chỉ lại thì thôi vậy.

Từ đây âm dương đôi ngã, người chết ôi ! kẻ sống đã quên các người sau khi đọc bài nầy.

(NHÂN LOẠI, 1957)

--------------------------------

1

Một thứ xe bốn bánh do hai ngựa kéo, rất thạnh hành ở Sàigòn ngày xưa.

2

Câu chuyện đã kể rõ trong bài "Ma Đề Thơ" in thành sách trong quyển "Tân liệu trai".

3

Nghĩa địa nầy đã gợi hứng cho tác giả viết truyện Ba Con Cáo (Ký thác) và ngày nay đã bị giải tỏa để làm phố Nguyễn Cư Trinh.

HUI NHỊ TỲ (2)

Đi trên vỉa hè phố bùi Chu đến góc đường Bùi Chu - Bùi thị Xuân bạn bỗng nghe một cảm giác là lạ dưới chân. Vỉa hè đất thịt bằng phẳng bỗng gập ghềnh và làm cho tiếng giày của bạn vang lên.

Nhìn xuống, bạn mới nhận ra dấu vết của một mã vôi trám cả bề rộng khá lớn của vỉa hè.

Ty kiều lộ chính của đô thành phá ngôi mộ nầy, đã khổ sở trước sức kháng cự của chất ô dước nên thối chí không phá sát góc. Nhờ thế ta mới biết được rằng thành phố của ta xây cất trên một bãi tha ma minh mông.

Ở đâu cũng có mồ mả hết, đó là chỉ nói đến những ngôi mã vôi ô dước kiên cố, chớ nếu kể thêm mã đất thì chắc không một thước vuông thổ cư nào mà ở dưới không nghỉ yên một bộ xương khô.

Ở đâu cũng mã hết, nhứt là Ô Ma. Người ta nói Ô Ma tức là „Phía vũng lầy" (Aux mares) của tiếng Pháp.

Sao ta chôn xác người ở xóm vũng lầy? Thật là khó hiểu. Vì không cắt nghĩa trôi nên đồng bào miền Bắc đùa rằng Ô Ma tức là ngoại ô có nhiều ma, bằng cớ là mã mồ lệnh nghểnh ở đây.

Bạn nào có ờ Sài Gòn đều nhớ rằng thành ngả bảy, trường P. Ký, nhà thương Từ Dũ đều cất trên bãi tha ma đông hằng nghìn nấm mộ.

Mồ mã ở Sài Gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mã như quen biết với ma dữ lắm. Ở cổng xe lửa Mỹ, bên hông nhà thương Từ Dũ có hai ngôi mộ song hồn khá to. Trên mộ có cây mọc. Người ta treo võng dưới tàn cây và những trưa hè, người ta đồng đưa kẻo kẹt trông rất an nhàn. Ngộ nghĩnh nhất là tấm bảng hiệu "hớt tóc" cắm trên đó, cạnh chiếc võng. Khách hớt tóc cứ ra vào cái tiệm lộ thiên ấy mà không chút sợ sệt e dè.

Ma Sài Gòn hợp tác đắc lực với người. Trong chợ Cây Điệp, tại xóm vựa cũi có một ông đánh đề.

Ông ấy thua đậm đến cùng đường, nên một chiều kia ông ta ra quì trước nấm mộ đất cạnh nhà mà khấn vái. Lạ sao, đêm đó ông ta trúng to rồi tiếp tục trúng liên tiếp hằng tuần.

Ông ta đã cất nhà ngói hẳn hòi, sửa sang nấm mộ ấy và mãi đến ngày nay, sòng bạc đóng cửa đã lâu mà chiều nào ông ta cũng đem hương khói ra trước mồ để tạ lễ cả.

Ma không bỏ người, mà người cũng chẳng bạc nghĩa, cảm động thay !

Những nấm mồ đất hoang lạnh, lắm khi cũng gặp đại phúc. Thí dụ như một nấm mộ hoang kia ở Bàn Cờ. Mộ nầy được diễm phúc chùa Tam Tông Miếu cất chồng lên. Nó nằm ngay giữa sân trong của nhà chùa.

Thế là mộ đất được phủ lên một lớp xi măng và hưởng hương khói suốt ngày, từ cái thuở mà đại lộ Cao Thắng còn là một con đường to bằng hai bàn tay xòe, mãi cho đến ngày nay mà chùa to thêm và đẹp thêm.

°

Tôi đã chứng kiến cuộc dời mồ của Đại tướng Nguyễn Văn Học từ đường Cây Thị qua góc dinh hành chánh Gia Định và cứ lấy làm tiếc rằng tại sao người ta không bão tồn "Lục Lăng" như đã bảo tồn mộ của một vị Đại tướng kia.

Người Sài Gòn mình thường hay "thăng quan" bất kỳ ai. Mộ quan to họ dám gọi là lăng, thì sáu cái lăng ở ngõ hẻm Lục Lăng bên hông thành Ô Ma chắc là sáu nhân vật quan trọng hơn Đại tướng Nguyễn Văn Học nhiều lắm.

Ngày nay sáu cái "lăng" ấy không để lại một dấu vết nào cả, không một nhà bác học kịp nghiên cứu lối kiến trúc đồ sộ của nó và bao nhiêu bảo vật chôn dưới mồ, bảo vật nầy thế nào cũng phải có, vì dưới mộ đại tướng Nguxễn Văn Học đã có kia mà.

Mộ Lái Gẩm ở góc phố Nguyễn

°

Cuộc đập phá ngôi mộ ô dước kiên cố cuối cùng có lẽ là công tác quật mồ lúc mở con đường Vĩnh Viễn.

Thấy dân phu của ty lộ chính hì hục không ai không tự hỏi tại sao các kỹ sư ta không phân chất mũ ô dước để rồi nhái theo thiên nhiên mà chế hợp chất giống dược. Hợp chất nầy sẽ là một thứ xi măng siêu phẩm được hoan nghênh trên thị trường quốc tế và rủ về nước không biết bao nhiêu là ngoại tệ cần thiết cho nền kinh tế của ta.

°

Thành Phiên An ngày xưa rất bé nhỏ, nhưng sao mồ mã của dân thành phố ấy lại chiếm hết đất Sài Gòn ngày nay ? Đó là vì mã ấy gần sanh phần của trên mười thế hệ người. Người Việt ta đến Sài Gòn đã trên ba trăm năm rồi, bạn nhớ chớ ?

Ba trăm năm họ đã cần cù, đau khổ, vui sướng, khóc cười để tạo nên Sài Gòn của bạn ngày nay.

"Này ai ơi ! Thử trèo bức tường đổ, trông quãng đồng xa, mã con mã lớn, chỗ năm chỗ ba chẳng quan thời dân, chẳng trẻ thời già, trước cũng người cả bây giờ đã ma ! Nào tiền, nào của, nào cửa, nào nhà, nào con, nào vợ, nào lợn, nào gà, nào câu đối đỏ, nào mành mành hoa, nào đâu đâu cả mà nay chỉ thấy sương mù nắng rãi với mưa sa !"

Đoạn văn biền ngẫu trên đây là của Tản Đà. Tôi xin mượn để ngậm ngùi thương những ngôi mã cũ bên đường và nhất là ngậm ngùi thương trước những ông ở nhà lầu, đi xe hơi, có bốn cô vợ bé ngày nay.

Năm 1999, các ông cùng sẽ nằm ở xó nào trong đô thành, để cho con cháu chúng ta có dịp mà than thở.

(Nhân Loại, 1957)

THẦN THÁNH SÀIGÒN

Trừ vài cái miễu đá có sẵn từ trước, như miếu Ngọc Hoàng ở Đất Hộ mà người ta quen gọi là chùa Ngọc Hoàng hay như cái miễu con con ở đường Ngô Tùng Châu, thì những nơi trú ẩn của thần thánh trong đô thành bị thu hẹp một cách thảm thương.

"Tiên đã chết !" Đó là tiếng kêu than của nhà văn thủ cựu Alphonse Daudet, trong một truyện ngắn cảm động.

Đọc Alphonse Daudet, người ta buồn cho vui vậy thôi, rồi người ta cứ việc quên tiên và thần thánh, vì cuộc vật lộn để sống đã trở nên quyết liệt thám khốc lắm rồi.

Trong cái đám phụ thần ấy, tuy nhiên cũng còn sót lại vài kẻ trung kiên kỳ lạ. Trong cuộc xô lấn của người sống, họ cố giành cho thần thánh một cái bến nho nhỏ gọi là tỏ chút tâm thành.

Thần thánh có ngự được giữa chốn ồn ào và ô trược nầy hay không thì không rõ, nhưng chắc chắn là còn nguyên vẹn trong lòng của những người nầy cho đến lúc họ xuống mồ.

-¯—

Cái miễu to hơn hết là cái miễu dưới gốc da trong vườn Tao Đàn tại cửa Trương Công Định. To hơn hết nhưng hẹp hơn cái buồng nhỏ nhứt của bất cứ nhà nào ở các xóm lao động.

Bé thế mà xinh xắn lắm, chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng trông như đồ mả sắp được đốt xuống âm ti.

Khách thừa lương qua đó không ai mà không nghe như văng vẳng câu hát ru em :

Cây da trước miễu cây da tàn,
Bao nhiêu lá rụng thương nàng bấy nhiêu.

Thương nàng là phải. Lúc chưa mở con đường xuyên viên, chỗ nầy vắng vẻ. Nàng hay đứng đợi Chàng. Có lẽ Nàng đã chết rồi, hay đã đi lấy chồng mà gặp phải bến đục, nên Chàng nhìn chốn cũ mà ngậm ngùi.

Miễu nầy đã có vài năm trước chiến tranh, dưới một hình thức hết sức thô sơ.

Một bà lão từ sáng đến chiều cứ dập đầu lạy gốc da. Thế rồi người ta bu lại khấn vái và cúng lễ, biến gốc da thành cái miễu lộ thiên.

Một ông đô trưởng người Pháp, vừa là thi sĩ vừa là cáo già, trông thấy cảnh đó bèn cho hợp thức hóa cái miễu bất hợp pháp ấy.

Là thi sĩ, ông ta nhận thức được cái quyến rủ đối với du khách ngoại quốc của cảnh cúng lạy kia. Ngoại tệ sẽ vào xứ một phần nào nhờ vị thần ấy.

Là cáo già, ông ta làm thế nào được lòng dân, tỏ ra ta đây kính nể tín ngưỡng của dân bản xứ lắm !

-¯—

Bé hơn cái miễu cây da vườn Tao Đàn là cái miễu Bịnh viện Bình Dân.

Ai đi trên con đường Hai Mươi mà tò mò một chút là thấy ngay cái miễu kỳ dị ấy. Nó to chỉ bằng chiếc thùng thông đựng bốn mươi tám hộp sữa bò, nằm trên đầu của một cây trụ hàng rào nhà thương trông từa tựa như "chùa một cột".

Miễu đúc bằng xi-măng kiên cố thì tức là nhà thương đã chánh thức nhận cho nó nằm đó rồi.

Cảm động thay lòng tốt của nhà thương. Không biết được ông bác sĩ giám đốc bệnh viện tên gì để ghi vào sổ những kẻ có lòng.

Ở đây có gốc da, nhưng dưới chân trụ rào dân chúng quanh vùng cứ đem ông táo bể đầu, ông vôi mẻ miệng mà đấp lên cao ngồn ngộn khiến ta nhớ đến nỗi lo âu của dân Việt Nam ngày xưa kia nỗ lực đấp cho trụ đồng Mã Viện khỏi ngã hầu dân tộc ta khỏi bị diệt theo lời hăm dọa khắc trên trụ đó.

Cứ lâu lâu, cảnh sát đem xe đến hốt xác ông táo ông vôi một lần nhưng vài ngày sau là đâu vào đó cả, nghĩa là ông táo ông vôi khác lại đến. Hay các ông nầy linh thiêng quá mà hiện trở lộn về ?

Xác người cứ ra khỏi nhà thương bằng cửa sau còn xác hai vị thần thì đi ra bằng cửa trước. Xác người đi vô nghĩa địa còn xác thần về đâu ?

Chiều chiều những người nuôi bịnh nằm nhà thương ra đó thắp nhang khấn vái. Sáng sáng, những con bịnh đã khỏi, trước khi rời ngôi nhà cứu tinh nầy, cũng ra đó mà lễ tạ thánh thần đã phù hộ cho họ qua được cơn nguy. Nếu họ lành bịnh được là nhờ thánh thần, chớ bác sĩ làm gì cãi được mạng trời.

Sự sùng bái ấy đáng lý chạm lòng tự ái của các vị bác sĩ ở đây lắm. Nhưng lại không. Đáng phục thay ! Chẳng những họ không ganh tỵ với thánh thần, họ còn cho phép xây miễu bằng xi-măng (trước kia miễu ấy bằng gỗ)

Ông giám đốc bịnh viện nầy quả là một thi sĩ. Danh từ thi sĩ tôi gán cho ông đô trưởng người Pháp hồi nãy là nói mỉa mai đấy. Lần nầy tôi nghiêm trang và thành thật tin tưởng như thế.

Một người bạn bảo ông bác sĩ ấy duy thần. Tôi chỉ cười. Kết luận vội quá thường khi sai.

Điều chắc chắn là ông ta rất thi sĩ. Ông đã rung động trước lòng tin của những con bịnh bình dân của ông nên mới dung thứ và hơn thế, khuyến khích sự cúng lạy ở một nơi mà người ta chỉ sợ có thế lực của các thứ thuốc trụ sinh và các lưỡi dao mổ.

Ông lại là tay sành tâm lý. Con bịnh họ tin khoa học hay tin thần thánh, nào có quan trọng gì. Việc chính là họ phải có lòng tin mới chóng khỏi bịnh. Mà họ khỏi bịnh là điều đáng kể hơn hết.

Hoan hô Bịnh viện Bình Dân !

-¯—

Các bạn đi ngang qua rạp Thành Xương, có để ý đến cây vông nem, bên kia đường, ngay trước cửa rạp hay không ? Đó là một cây vông rất hiếm hoi ở Sàigòn mà điều các bạn không thấy là điều đáng tiếc vì thỉnh thoảng nó rắc máu trên vỉa hè trông rất nên thơ.

Cây vông ấy, đặc biệt là trên cháng hai của nó có gác một cái miễu con bằng gỗ, còn bé hơn cái miễu Bịnh viện Bình Dân nhiều.

Sáng sáng, các bà các cô đi chợ hay khấn vái dưới miễu, chắc để cầu xin thần thánh níu chân níu cẳng các ông đừng cho các ông đi đêm nữa.

Người ta bảo nhỏ rằng đào kép ở hai rạp gần đó cũng thường cầu khẩn dưới miễu, chắc để cầu tài. Tài đây là tài diễn xuất.

Nhưng đó là họ đồn vậy chớ không phải tôi quả quyết như thế, xin anh chị em diễn viên đừng đính chánh mất công.

Đi trên vỉa hè Đại lộ Trần Hưng Đạo, từ ga-ra Nguyễn Văn Hảo ra hiệu kem Phi Điệp, nếu bạn ngước mặt lên trời thì bạn sẽ thấy cái miễu con kia, cũng bằng gỗ, treo ở lan can bao lơn một dãy lầu, trông giống như một lồng bồ câu tí hon.

Ở lầu cao, đường rộng, xe hơi chạy dập dìu cái miễu ấy như buông một nốt nhạc ngang cung trong bản nhạc cuồng loạn của thành thị.

Thần thánh chắc bực mình lắm, vì bên nầy là tiệm nhảy KIM SƠN, bên kia cũng tiệm nhảy VÂN CẢNH, ô trượt quá đi mất.

Nhưng ngộ nghĩnh hơn hết là chiếc bàn thờ con trong tòa soạn nhựt báo Buổi Sáng. Bàn thờ treo trơ trơ trên vách tường, ngay sau lưng ông giám đốc chủ nhiệm.

Có lần tôi hỏi anh Tam Mộc :

- Thờ ông gì đó vậy đại ca ?

Tam Mộc chỉ cười hà hà không đáp lại mà nói :

- Bàn thờ ông thần nầy đã nổi danh trên trường quốc tế. Nhiều ký giả ngoại quốc đã vào đây và không anh nào là không dòm nó một cái. Có lẽ đó là bàn thờ ông Văn Xương, tổ của thợ nhà in.

(NHÂN LOẠI, 1957)

CHÙA CHIỀN, ĐỀN MIẾU

Không hiểu vì lý do nào mà dân Sàigòn lại gọi là "chùa" tất cả những đền thờ bất kỳ ông gì: thờ Ngọc Hoàng cũng chùa, thờ thần Vichnou cũng chùa.

Có lẽ vì họ thèm chùa quá hay chăng ? Chùa Tam Tông Miếu đã được sửa chữa lại, phong độ cũng khá hùng vĩ đó.

Nhưng lối kiến trúc kỳ quặc của ngôi chùa nầy khiến con người bỡ ngỡ biết bao. Phía trước mặt tiền chùa có dáng Tàu cổ, nhưng phía sau, cái nóc tròn lại nhắc nhở đến lối kiến trúc Thổ nhỉ kỳ hay La Mã.

Chùa Kỳ Viên Tự thì không khác nhà ở chỗ nào hết.

Chùa Xá Lợi mới cất trông thật đồ sộ, nhưng trừ mái cong ra còn thì không thấy điểm nào đượm mùi thiền hết.

Chùa Linh Sơn ở Cầu Muối có được một tượng Phật ngồi dưới gốc bồ đề ở sân trước, nhưng cũng giống chỉ được có bao nhiêu đó thôi, còn thì các ngôi nhà đều hệt như nhà ở.

Đành là Phật ở trong lòng ta, và chùa đất có thể chứa Phật vàng, nhưng đây nào phải là chùa đất. Mỗi ngôi chùa xây cất tốn kém hàng triệu bạc thì tại làm sao không cho nó một cái dáng điệu chùa ?

Vẻ ngoài rất có ảnh hưởng đến lòng tin tưởng của nhân dân, lại rất quan hệ đối với thẩm mỹ kiến thị thì tưởng đô thành cũng nên khó tánh mỗi khi cứu xét những đồ án xây cất chùa chiền.

Tôi đã được thấy người Mỹ xuống tận Định Tường viếng chùa Vĩnh Tràng và lên tận Bình Dương viếng chùa Hội Khánh thì đủ biết họ thất vọng chùa chiền ở thủ đô lắm vậy.

Tại sao chùa tiểu thừa lại không cất theo kiến trúc Ấn độ, chùa Đại thừa theo kiến trúc Trung Hoa mà cả hai đều giống nhà Tây cả ?

Ta cứ xem gương bên Cơ đốc Giáo. Một nhà thờ tạm ở một ngoại ô xa, chẳng hạn như nhà giảng của đạo Tin Lành trên Hòa Hưng, đường vào khám Chí Hòa. Chỉ có một căn phố ván, rộng hai thước năm thôi mà người ta cũng uốn nắn cho căn nhà hẹp ấy biến theo kiến trúc La Mã được người ta mới nghe cho.

Sàigòn của ta không có chùa ra hồn chùa về mặt kiến trúc, mà cho đến khía cạnh cổ kính của các ngôi chùa ta cũng không có tuốt.

Ngôi chùa cổ nhất của ta có lẽ là ngôi "Chùa Y Tổ" bên Khánh Hội.

Nhưng nó lại không phải là chùa. Tại ta ưa gọi hỗn loạn như vậy đó thôi, chứ thật ra nó là cái miễu.

Trước miễu người ta cũng đã đề rõ "Văn Miếu Y Tổ" kia mà !

Nhưng tại sao lại "Văn" thì thật khó hiểu.

Chùa nầy Tàu đặc vì lối kiến trúc và ngói ống lại được rêu phủ nên phảng phất cái phong vị của sự lâu đời.

Nhìn "Chùa Y Tổ" ta bùi ngùi nhớ đến ngôi chùa Cây mai ngày xưa kia, trụ sở của văn phái Bạch Mai.

Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế,

Tò le kèn lạ mặt trời chiều 1

.......................................................

......................................................

Thầm tiếc phải còn phong cảnh cũ,

Văn nhân tài tử biết bao nhiêu 2 .

-¯—

Trong bà Chiểu có hai ngôi đền lạ mà người trong xóm gọi là "Chùa Bà Đầm" và "Chùa Bắc".

"Chùa Bà Đầm" không biết thờ ông gì mà chủ nhơn là một phụ nữ Ấn độ lai gì không rõ. Chùa vắng vẻ chứ không náo nhiệt như "Chùa Bắc" ở đường Lò Heo cũ.

Nơi " Chùa Bắc" ngày nào cũng có con công đệ tử đến múa hát và đờn, kèn trống trỗi lên nghe rất lạ tai.

Con công đệ tử mặc sắc phục rất đắc tiền. Xem ra họ mê say lắm, và bất giác ta nhớ ngay đến những bài văn trào lộng của báo Phong Hóa ngày xưa về các ông đồng và các con công đệ tử.

-¯—

Dân tộc Việt Nam rất khoan hồng về tín ngưỡng. Không có tôn giáo nào không có đền thờ ở Sàigòn.

Cái đền thờ của Ấn độ mà tục gọi là chùa Bà Đen (sao lại bà chớ không ông ?) ở đường Trương Công Định chẳng những được người Ấn mà đệ tử người Việt lui tới đó cũng tấp nập.

Có cả năm ba ông thầy đoán sâm người mình, ngồi thường trực trong ấy. Còn đệ tử người mình tới đó vay tiền thì làm ăn cứ như là phát đạt lắm lắm.

-¯—

Đi ngang qua chùa Bà La Môn giáo ở đường Tôn Thất Thiệp, nghe thứ nhạc mà viên kỹ sư trong tiểu thuyết danh tiếng "Gió Mùa" bảo phải nghe đến năm trăm năm mới hiểu được, nhìn mấy ông thầy tu cởi trần mặc khố múa men một cách miễn cưỡng, không ai là không để thần trí lộn ngược dòng năm tháng lên tận nguồn thời gian mà tất cả nhân loại đều dã man trừ dân Ấn độ với bộ kinh Huê Đà của Bà La Môn, huyền bí những bộ ba thần Brahma, Vichou và Civa nặng trịu ba bức tường ngăn cách bốn hạng dân trong nước ta.

Những con bò thần mập mạp thoáng thấy từ ngoài cửa làm ta nhớ đến một nước Ấn thiếu gạo vì công thần, khỉ thần và bò thần. Nhưng bầy bồ câu đông nhứt trên lãnh thổ Việt Nam ở trong ngôi nhà chọc trời thu hình, phía sau chùa, lại giúp cho ta quên tất cả cảm giác nặng nề vừa có.

-¯—

Cũng là chùa người Ấn, nhưng ngôi chùa đường Hồ Huấn Nghiệp lại nhắc nhở một nền văn minh khác hẳn. Lối kiến trúc ngôi chùa làm hiện lên thế giới kỳ ảo của Nghìn lẻ một đêm của vùng Cận Đông, Trung Đông.

Nhưng cái lối dập đầu về hướng Tây để khấn Allah lại gợi nhớ nền văn minh du mục của người Á rập, gợi hình ảnh sa mạc mênh mông và hình ảnh những chàng kỵ mã áo rộng vải bay phất phới dưới gió nóng.

Có một ngôi chùa, hình ảnh trung thành của thời ấu trĩ của bất cứ tôn giáo nào. Đó là chùa của đạo Baha'i trên một căn lầu đường Lê Lợi.

Ngày kia chùa ấy sẽ trở nên đồ sộ như chùa Hồi Hồi, hay sẽ mất cả dấu vết của một tôn giáo không bén rễ được ?

(NHÂN LOẠI, 1957)

--------------------------------

1

Thơ của Tôn Thọ Tường.

2

Thơ họa của Lê Quang Chiêu.

PHỐ CỦA THÀNH PHỐ

Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đờn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.

Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.

Vậy nên tôi đã đi khắp Sàigòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không ? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.

Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.

Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.

Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.

Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định.

Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.

Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.

Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.

Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.

Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ "mần".

Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sàigòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà !

Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.

Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng một khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẳn chòi.

Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sàigòn - Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Ngyệt Ánh v.v... cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.

Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa - Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa.

Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.

Sàigòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy.

Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.

Sàigòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành.

Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.

Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được xử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng.

Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.

Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.

Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chơn suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu : gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.

Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.

(NHÂN LOẠI, 1957)

VẮNG BÓNG BIA ĐÁ THÌ HỎI BIA MIỆNG

Mặc dầu không "vọng cổ", không "hoài cổ" chắc bạn cũng thấy rằng cái gì xưa là nên thơ. Một quyển sách thuở bé hay gợi nhớ nhiều kỷ niệm êm đềm, một thếp đèn xưa thường tiết ra mùi thơ sầu của thế hệ vừa tàn.

Nếu bạn thành thật, không sợ bị xem là thoái bộ thì bạn nhận như vậy.

Rồi bạn tìm những phiến đá, những chùa đổ trong đất Sàigòn để hỏi thăm coi các thứ ấy có kể lể chuyện xưa tích cũ nào chăng.

Than ôi, đá và chùa Sàigòn còn mới ràng ràng, chỉ vừa phủ một lớp rêu mỏng mà thôi.

Tuy nhiên, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ mặc dầu bia đá ngậm câm.

- Bia miệng ơi, mi có biết Sàigòn cũ của chúng ta chăng ?

- Thưa có, tôi biết nhiều lắm.

- Kể lại nghe nào !

- Nầy nghe :

Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Ngày xưa, trên bờ sống Bến Nghé, chắc có một cây da, tàn lá sum-sê. Trong bóng mát cây da ấy, nhiều bộ hành đục nắng để chờ đợi một chuyến đò ngang.

Cô lái đò ắt hẳn là đẹp lắm, và nhứt là đứng đắn lắm, nên cả vạn trai Sàigòn mới thách đố nhau cái kỳ công oái oăm ấy.

Cô lái ơi, nay cô đã thành bà lão nào hay đã được vùi nông một nấm ?

Người Sàigòn nhìn chiếc đò máy tại bến Thủ Thiêm, nghe tiếng động cơ nổ điếc tai, làm sao khỏi ngậm ngùi nhớ lại một cánh buồm xa, một lưng ong gái Sở đang đẩy nhẹ mái chèo ?

- Còn gì nữa bia miệng ơi ?

- Nầy nghe :

Bao giờ cầu quay nọ hết quay,
Thì qua với bậu mới đứt dây can thường.

Trơi ơi là thương ! Yêu nhau không có non có biển để chỉ mà thề, nên đành lấy chiếc cầu sắt kiên cố nối liền đường Võ-Duy-Nguy (G. Guynemer) và đường Trình Minh Thế (J. Eudel) để khắc lời nguyền !

Chàng và nàng ơi ! Chiếc cầu ấy quả ngày nay đã thôi quay rồi. Nếu bắt chẹt nhau từ lời nói thì Chàng đã mắc lời thề, đã phụ Nàng rồi đó. Nhưng sự thật thì mặc dầu đôi bạn đã ra tro, tình xưa của đôi bạn luôn luôn bền vững. Chúng tôi yêu các bạn nên tiếp thay cho bạn và tiếp tục thề nguyền. Các bạn có dè đâu chiếc cầu sắt có vẻ thiên niên ấy lại thôi quay ! Nhưng chắc chắn là các bạn đã dè rằng các bạn yêu nhau mãi mãi cho đến lúc xuống mồ.

- Hết rồi phải không bia miệng ?

- Làm sao hết được. Đây nầy :

Ba Hình nay đã đổi dời.
Bớ nầy bạn ơi, bấy lâu gắn chặt, rã rời là đây.

Bức tượng đồng tượng hình ba võ - nhơn Pháp dưới thời chinh phục ngày xưa đặt ở bến Bạch Đằng. Nhưng sau lại dời lên dinh "Chánh soái" tức là dinh Độc Lập bây giờ.

Chính sau cái dời lần thứ nhứt đó mà Chàng và nàng đã rã-rời nhau.

Ba Hình bằng đồng nặng thế mà còn dời, huống chi là Chàng với Nàng và ngày nay Ba Hình đã dời đi nữa rồi, nên biết bao Chàng và Nàng khác đã rã - rời keo sơn.

Sàigòn thay đổi như chong chóng. Trong cái sự quay cuồng ấy, lòng con người cũng ngược xuôi túi bụi vì họ thấy không cần thủy chung như ở nhà quê nữa. Ơ đây thuyền dời, mà bến cũng dời tuốt.

- Bia miệng ơi, sao Sàigòn lại hết nên thơ và đâm ra phản bội, nên thơ trở lại coi đi nào.

- Có đủ mặt mới hay. Nầy Sàigòn điếm đàng đây :

Gái đàng mới xem tường không mới
Trai Bến Thành xem lại chẳng thành
Ngày ngày qua lại em, anh,
Có xu có lúi mới thành ngỡi nhân.

Thì ra uy thế của đồng tiền cũng đã khá rõ rệt ngày xưa kia rồi.

Truyền thống xu, lúi, ấy được Sàigòn ngày nay thừa tự và nâng lên đến độ tuyệt vời.

- Thôi bia miệng ạ ! xấu che tốt khoe mà, vạch áo cho người xem lưng làm chi.

- Hãy khoan ! Nghe thêm một giọng chướng tai của Sàigòn nữa cái đã :

Bạc-lê 1 vẽ sứa, em giận đứa măng-tơ 2
Thằng gì mà nghi ngại bá vơ,
Sài thành em dạo cảnh nó nghi ngờ em bán duyên.

Đó là lời của một me Tây Sàigòn. Cũng nên thơ đó chớ, nhưng mà đó là thơ Tây lai nên nghe ngòng ngọng cái vang bóng một thời Ba Đá, Ba Lô.

Thỉnh thoảng bia miệng tôi xin pha trò để đổi không khí, chớ nên thơ hoài thì buồn chết.

Nhưng bạn muốn nên thơ thì đây:

Chợ cũ nay đã tan tành,
Sàigòn em ở lại, Bắc thành anh dời chơn.

Chợ Sàigòn từ sau lưng kho bạc dời ra trước bồn-binh là kéo theo sụp đổ của cả chục gia đình buôn bán nho nhỏ. Có lẽ vì đồng tiền tửng sập mới chăng ? Hay là tranh thương không lại Ba Tàu ?

Chàng từ Bắc vào, quyết giành với Trung Hoa nhưng Trung hoa lấn dữ quá, phải đành "Bắc thành dời chơn" vậy.

Nên nhớ ngày xưa người Nam ta ít buôn bán lắm. Chỉ có đồng bào miền Bắc là tranh với cắc-chú thôi.

Câu hát nực mùi kinh tế nầy chứng tỏ một thời miền Nam bị khách lũng đoạn trong cuộc làm ăn.

- Đã bớt dị hợm me Tây rồi đó, nhưng quả chưa nên thơ. Bia miệng à !

- Vâng. Vui thêm một câu nữa đã :

Mười giờ tàu lại Bến Thành
Xúp-lê vội thổi, bộ hành xôn xao.

- Tàu sao lại vào chợ Bến Thành được hở Bia miệng ?

- Đã bảo chợ Cũ ngày xưa nằm sau kho bạc mà. Có một con Kinh từ dưới sông lên tới chợ.

Cảnh buôn bán đã khá sầm uất rồi: Nên chi Bia miệng chỉ nên thơ được vài câu nữa thôi, rồi đành phải ngậm miệng đến ngày tận thế vì Sàigòn bắt đầu náo nhiệt rồi, Bia miệng không hò hát nữa được.

Ngày sau Bia miệng chỉ ca vọng cổ, hoặc âm nhạc cải cách thôi. Thời ca dao đã chết rồi.

Trước khi hấp hối Bia miệng xin cho thật là thẩm thía để từ giả cõi đời :

Rạp hát bóng chào rào chộn rộn,
Sở đồ-hình ngồi đứng chỉnh tề.
Thăm em một chút anh về,
Chơi khuya lính bắt khó bề phân bua.

Lại yêu nhau ! Nhưng cuộc tình duyên dưới gốc me nầy bị cảnh sát bố gắt, chàng vội về, kẻo khó mà phân bua về cái la cà của mình.

Thượng thơ bán giấy,
Thủ-Ngử treo cờ,
Nào ai núp bụi núp bờ.
Mủ-di đánh đạo
Bây giờ bỏ em.

Thượng thơ là phủ Thống đốc Nam kỳ ngày xưa. Bán giấy là bán tín chỉ. Nhà học giả Thuần-Phong cho rằng Mủ-di là Musique. Nhưng thật ra Bia miệng không hiểu rõ câu hát mà Bia miệng nghê-nga mỗi ngày nầy. Dầu sao nghe ra, sao mà ngậm năng nuốt cay thế nầy.

Đàng Ô - Ma hai đứa ta nói chuyện.
Lúc giã từ còn quyến nhau hoài,
Về nhà anh cậy môi mai,
Mẹ cha em khó hỏi hoài không xong.

Đàng Ô-Ma có lẽ là cuối đường Hồng Thập Tự. Eo ôi ! Cũng như bất kỳ ở đâu, thời nào, Chàng và Nàng cũng phải chịu cảnh éo le vì cha mẹ cho đến cả trong cái xó tứ-chiếng hỗn độn nầy mà phong tục được khen là tương đối dễ dãi hơn ở đâu cả.

Tình duyên ! Ôi tình duyên Sàigòn bà-lăng-nhăng lắm. Đây là nơi anh hùng hội, nơi tứ-chiếng-quốc-tế mà. Cho nên :

Chợ Bến Thành mới,
Kẻ lui người tới,
Xem tứ diện rất xinh,
Thấy em tốt dạng tốt hình,
Chẳng hay em có chốn duơn 3 tình hay chưa ?
- Hỏi em về việc duơn tình,
Em đà có chốn, gởi mình cho Thanh 4
- Căn duơn đâu mà thấu đến bên Tàu,
Họa chăng em thấy chú tửng 4 giàu em ham.

Và đây :

Bước lên xe kiếng đi viếng mả chồng,
Cỏ non chưa mọc, trong lòng thọ thai.

Xe kiếng là loại xe bốn bánh, do hai ngựa kéo, khá xinh vì mui gỗ có cửa kiếng bốn bề như xe ô-tô loại Limousine.

Xe đó rất thạnh hành hồi đầu thế kỷ nầy, ở Sàigòn.

Và người đàn bà Sàigòn ở đầu thế kỷ nầy đã xem nhẹ "tiết hạnh khả phong" rồi đó. Đời sống đô thị dĩ nhiên đưa đến tâm trạng ấy, không đổ thừa cho chiến tranh được vì thuở ấy làm gì có chiến tranh, phim khiêu dâm, tác phẩm hiện sinh ?

Mà ca dao không nói láo bao giờ hết.

- Cho một câu thật nên thơ đi, Bia Miệng ơi !

- Vâng đây là câu chót, nên thơ như một buổi chiều, và ngậm ngùi như một nỗi nhớ xa xôi:

Cây da Chợ Dũi:

Nay đà trụi lũi
Trốc gốc mất tàn.
Tình xưa còn đó.
Ngỡ ngàng phồn hoa.

Tình đây, không riêng gì tình yêu, mà là tình mến thương cảnh vật Sàigòn cũ.

Tình xưa ấy vẫn còn nguyên vẹn nơi lòng Bia miệng nhưng cảnh phồn-hoa mới hiện ra đã làm cho Bia miệng ngỡ ngàng lạc hướng.

Thôi, vĩnh biệt nhé ! Loài người ham vọng cổ lắm rồi, Bia miệng tôi không hát theo xưa nữa. Chỉ van xin.

Mai sau dù có thế nào,

Đốt lò hương ấy, đọc ca dao nầy.
để mà nhớ lại Sàigòn cũ của chúng ta. 6

ĐÀI PHÁT THANH, 1962

--------------------------------

1

Parler: nói

2

menter: nói láo

3

duyên.

4

người Tàu đời Mãn Thanh.

5

người Tàu còn trẻ.

6

Tất cả những câu ca dao trong bài đều trích ở quyển "Thổ ngơi Đồng Nai" của Bình-nguyên Lộc.